*** TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ *** CÔNG KHAI THẢO LUẬN, ÂM THẦM HÀNH ĐỘNG *** Đã đến lúc tòan dân Việt hãy muôn lòng như một quyết chí đấu tranh cho QUYỀN DẠ DÀY, QUYỀN LÀM NGƯỜI, QUYỀN TỰ QUYẾT bằng cách ngay lúc này phải GIẢI THỂ TẬP ĐÒAN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BUÔN DÂN BÁN NƯỚC!!!

2009/12/05

Sòng Bạc Trên Cát


Đồng bạc Việt Nam còn bị mất giá nữa và chính quyền sẽ tuyệt vọng nên đưa ra biện pháp hành chánh là cưỡng bách thu hồi Mỹ kim khiến thị trường càng hốt hoảng, tư bản sẽ bỏ chạy, bong bóng đầu cơ sẽ bể. Nhiều tập đoàn đầu tư quốc tế đã phê phán là chính nhà nước gây hoang mang vì sự bất định của mình và cổ phiếu rồi bất động sản tại Viêt Nam sẽ còn mất giá nặng. Trong giả thuyết ấy thì sau cơn kinh hoàng, một vài xứ có tiền sẽ tung ra để mua lại cả nước với giá rất rẻ gồm có đủ loại tài sản và nhân sự của Việt Nam. Nghĩa là xứ này sẽ mất chủ quyền thực tế vì không thể quyết định về tương lai của chính mình nữa.

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long RFA



...Việt Nam đang mắc nợ rất cao, có thể là hơn 40% Tổng sản lượng GDP...

Tuần qua, tin Việt Nam vừa điều chỉnh tỷ giá đồng bạc vừa nâng lãi suất đã bị chìm vào một biến cố lớn hơn. Đó là chính quyền Dubai cũng cùng lúc thông báo hai quyết định bất ngờ, trong đó có việc tập đoàn Dubai World tạm hoãn trả nợ. Các thị trường tài chính quốc tế đều rúng động vì sợ là Dubai mà vỡ nợ thì hậu quả có thể lan rộng, trong khi giới đầu tư cũng xét lại triển vọng và rủi ro trên thị trường Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hai hồ sơ song hành này qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện.

Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Thứ Tư tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng lúc loan báo hai quyết định là tăng lãi suất ngân hàng từ 7% lên 8%, đồng thời hạ tỷ giá đồng bạc Việt Nam 5% trong một biên độ thu hẹp hơn. Cùng lúc đó thị trường cổ phiếu tại Việt Nam sụt giá mạnh và gây phản ứng trong giới đầu tư quốc tế. Ngay hôm sau, các thị trường thế giới còn bị chấn động nặng hơn vì tin tức xuất phát từ Dubai. Người ta e ngại nguy cơ vỡ nợ của xứ này với hậu quả lan rộng tới các thị trường khác. Vì vậy, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về cả hai biến động ấy, trước hết là chuyện Dubai, sau đó là Việt Nam. Đầu tiên, xin ông trình bày cho bối cảnh của vụ Dubai.

Hốt Hoảng Vì Dubai Thiếu Thông Tin

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là vụ Dubai này nghiêm trọng nhưng khó châm ngòi cho khủng hoảng lan rộng như biến động ngoại hối tại Thái Lan ngày hai tháng Bảy năm 1997 đã dẫn tới khủng hoảng Đông Á hoặc như vụ tập đoàn Mỹ Lehman Brothers bị vỡ nợ năm ngoái.

- Nhưng, biến động này là hồi chuông cảnh báo cho các cơ sở đầu tư như sòng bạc, lại dựng trên cát lún. Tôi xin giải thích từ bối cảnh tới các vấn đề then chốt của hồ sơ này.

- Trước hết, về bối cảnh thì ta có một liên bang gồm bảy Tiểu vương quốc Á Rập Thống
nhất, gọi tắt là United Arab Emirates, mới chỉ ra đời từ năm 1971 tại Bán đảo Á Rập trong vùng Vịnh Ba Tư ở Trung Đông. Mỗi tiểu vương quốc thực ra chỉ là một thành phố, và giàu mạnh nhất thì có Abu Dhabi, là thủ đô và trung tâm công nghiệp có rất nhiều dầu hỏa ở dưới. Đông dân nhất thì có Dubai, là một tiểu vương quốc không có dầu hỏa mà lại nuôi giấc mơ trở thành trung tâm thương mại và giải trí giữa sa mạc như Las Vegas của Mỹ, đồng thời cũng là một trung tâm tài chính và dịch vụ quốc tế như Genève của Thụy Sĩ. Chính quyền Dubai cũng lại là chủ đầu tư của gần hai chục tập đoàn kinh doanh, đứng đầu là Dubai World, đã vay mượn rất nhiều cho các dự án hào nhoáng mà thật ra có rất ít giá trị kinh tế thực tế. Cầm đầu chính quyền là một Tiểu vương có chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Thủ tướng của cả Tiểu vương quốc. Bây giờ, khi bong bóng bể, Dubai lâm nạn và trông vào cả chính quyền liên bang lẫn trụ cột kinh tế chính yếu là Abu Dhabi.

Việt Long: Câu chuyện bùng nổ như thế nào và vì sao lại là một bất ngờ nếu là một vụ bể bóng đầu tư mà thế giới có thể dự đoán từ vụ khủng hoảng tài chính năm ngoái và nạn suy thoái kinh tế toàn cầu sau đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết là hôm Thứ Tư 25, Dubai loan tin đã phát hành loạt trái phiếu trị giá năm tỷ Mỹ kim trong một chương trình vay mượn lên tới 20 tỷ. Cụ thể thì đấy là tin vui vì Dubai vay được năm tỷ từ hai ngân hàng có phần vốn lớn nhất của Chính quyền Abu Dhabi. Ngay sau đó, Chính quyền Dubai lại báo tiếp là tập đoàn Dubai World yêu cầu các chủ nợ hãy "đứng im", là tạm hoãn đòi các khoản nợ sẽ đáo hạn ngày 14 tháng 12 này và đợi đến ít nhất là ngày 30 tháng Năm của năm tới. Nôm na là vừa loan tin là vay được năm tỷ thì lại xin khất nợ thêm sáu tháng!

- Câu chuyện gây bàng hoàng vì ngay trước một kỳ nghỉ lễ dài, thị trường lại không có thông tin đầy đủ để xét đoán rằng Dubai lâm nạn hay là cả Abu Dhabi cũng bị vạ lây vì hố nợ lên tới gần 60 tỷ Mỹ kim của Dubai World trong 80 tỷ nợ của Chính quyền Dubai. Khi hoài nghi thì người ta phải đoán. Chẳng hạn như Tiểu vương quốc Abu Dhabi có đầy dầu hỏa và ngân hàng, lại vừa cho Dubai vay năm tỷ Mỹ kim, mà nay Dubai lại khất nợ các chủ nợ khác thì phải chăng điều ấy có nghĩa là Abu Dhabi không chịu hứng nợ cho Dubai? Hay là sẽ đòi tập đoàn Dubai World phải tái cấu trúc lại tình hình tài chính? Hay Dubai muốn găm lại số tiền vừa vay được để khỏi chạy ra ngoài? Hỏi cách khác, liệu Dubai có trên đà vỡ nợ không? Và Abu Dhabi sẽ làm được gì để cấp cứu? Vì vậy mà các thị trường tài chính Âu Á đều tuột giá ngày Thứ Sáu, qua Thứ Hai thì thị trường Dubai và Abu Dhabi cũng sụt mạnh khi mở cửa giao dịch, các ngân hàng chủ nợ thì kiểm lại xem có thể mất vốn tới bao nhiêu nếu Dubai vỡ nợ và trái phiếu của Dubai bị đánh sụt giá trị.

Việt Long: Bây giờ, qua Thứ Ba mùng một thì có phải là tình hình đã có vẻ lắng đọng chưa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tình hình các thị trường tài chính thế giới có vẻ lắng dịu từ Thứ Hai. Ngoài ra, Chính quyền của cả Tiểu vương quốc thông báo là sẽ yểm trợ các ngân hàng cả nội địa lẫn quốc tế, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng lên tiếng ủng hộ quyết định này. Qua ngày Thứ Ba, lãnh đạo Chính quyền Dubai, và là Thủ tướng của cả Tiểu vương quốc, lên truyền hình trấn an dư luận, rằng tập đoàn Dubai World vẫn lành mạnh, đang thương thảo một cách tốt đẹp với các ngân hàng chủ nợ việc triển hạn 26 tỷ Mỹ kim tiền nợ trong số 59 tỷ của tập đoàn này.

Việt Long: Hình như là trong mấy ngày cuối tuần vừa rồi, người ta còn lo sợ là vụ Dubai sẽ lây qua nhiều xứ khác như Hungary hay cả Hy Lạp nữa. Trường hợp như vậy có thể xảy ra không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi các thị trường mà hốt hoảng thì tất nhiên là sẽ gây họa và tự gây họa mà không ai có thể lường trước được. Tuy nhiên, trong kịch bản bi quan thì các ngân hàng của Âu châu bị thiệt hại thật ra không nhiều tại Dubai nên hậu quả không đến nỗi tệ. Tình hình của xứ Hy Lạp thì đáng ngại thật và nếu xứ này bị khủng hoảng thì sẽ gieo họa cho các nước trong khu vực Đông Nam của Âu châu. Hy Lạp đáng ngại vì bị bội chi ngân sách quá nặng, tới hơn 12% tổng sản lượng GDP và mắc nợ đến hơn 110% của GDP. Nhưng Ngân hàng Trung ương Âu châu đang theo dõi tình hình và đã chuẩn bị đối phó, chưa kể đến Quỹ Tiền tệ IMF với dự án cấp cứu của mình. Cho nên Hy Lạp rất khó vỡ nợ và không đến nỗi phải rút khỏi hệ thống tiền tệ thống nhất của Âu châu hoặc bị đuổi ra khỏi khối Euro, là một trường hợp bất khả về pháp lý. Dù sao, kinh nghiệm của Dubai khiến các nước cùng cảnh giác về ảo vọng tăng trưởng thiếu cơ sở và tai họa nối tiếp là bong bóng đầu tư hoặc tín dụng thứ cấp như đã xảy ra tại Mỹ và Âu châu.

Việt Long: Chúng ta bước qua phần thứ hai là trường hợp Việt Nam với vụ điều chỉnh tỷ giá và nâng lãi suất của tuần qua. Diễn đàn này đã nhiều lần nói đến hai yêu cầu mâu thuẫn của Việt Nam là vừa tống ga để kích thích kinh tế vừa đạp thắng để hãm đà lạm phát. Ông cũng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng ngoại hối và về yêu cầu phải phá giá đồng bạc so với Mỹ kim. Dường như ngần ấy việc đều đang xảy ra?

Việt Nam vừa Tống Ga vừa Đạp Thắng

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Việt Nam bị ngần ấy vấn đề tích lũy từ ảo vọng tăng trưởng mạnh sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm kia. Kết quả là đã thổi bùng trái bóng tín dụng bên trong, đi cùng nạn tăng giá thương phẩm nhập khẩu từ bên ngoài, nên bị lạm phát nặng vào năm ngoái, lên tới 28%. Ngay sau đó, tức là vào cuối năm, thì khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu lại dội ngược vào Việt Nam và đặt ra những thách đố mới.

- Thứ nhất, Việt Nam bị bội chi ngân sách quá nặng và khó phát hành công khố phiếu để vay tiền cho nên khi cần kích cầu để kéo kinh tế ra khỏi suy trầm thì dùng biện pháp tín dụng ào ạt y như Trung Quốc. Nhưng hệ thống tài chính và ngân hàng quá thô thiển của xứ này lại không kích đúng nơi, chỉ có chừng 20% là rót vào các doanh nghiệp cần tiền để đẩy mạnh sản xuất, còn lại thì tiền chảy vào các đại gia có thần thế để đi đánh bạc trên thị trường cổ phiếu và bất động sản nên thổi lên bong bóng. Bong bóng này bắt đầu xì và có thể bể khi tín dụng bị hạn chế, là việc đang xảy ra.

- Thứ hai, tín dụng bị hạn chế lại vì đã được bơm ra quá nhiều nên đang góp phần gây ra nguy cơ lạm phát, là chuyện tưởng như đã bị đẩy lui mà thực ra vẫn còn, vì Việt Nam lại gặp cảnh tiền quá nhiều và thương phẩm tăng giá nên vật giá sẽ lại gia tăng ngay sau Tết.

- Thứ ba, Việt Nam bị nhập siêu nặng vì nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và biện pháp kích cầu không giúp ích gì cho xuất khẩu mà lại dồn vào xây dựng và gây tốn kém thí dụ như về xi măng sắt thép. Đã thế, hai nguồn ngoại tệ đã có trước đây, là đầu tư trực tiếp của nước ngoài và tiền của thân nhân gửi về - mà Việt Nam gọi sai là kiều hối - lại giảm mạnh. Vì vậy, xứ này bị thiếu hụt cán cân vãng lai, dự trữ ngoại tệ từ 23 tỷ đô la nay chỉ còn chừng 16 tỷ, còn thấp hơn số nợ bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp. Nếu kể thêm khoản nợ của khu vực công thì Việt Nam đang mắc nợ rất cao, có thể là hơn 40% Tổng sản lượng GDP nên khủng hoảng ngoại hối là tất yếu.

- Tổng kết lại, thì vì khả năng quản lý vĩ mô quá tệ, thông tin lại mập mờ và bị lọc, bị cấm, Việt Nam làm mất niềm tin của thị trường. Khi hoài nghi thì ai cũng suy diễn theo kịch bản bi quan nhất. Kịch bản ấy là cái neo về ngoại hối sẽ bị bứt, đồng bạc theo tỷ giá không thích hợp sẽ bị phá giá và còn bị phá giá. Thí dụ cụ thể là trong việc mua bán Mỹ kim, thị trường chính thức là phụ và cứ phải chạy theo thị trường chợ đen và nhà nước vừa nói là không phá giá thì lập tức làm ngược, rồi biện bạch rằng đấy không phải là phá giá mà là điều chỉnh tỷ giá cho linh hoạt! Trong khi ấy và đây mới là điều bi thảm, Việt Nam vừa thông báo là năm nay sẽ xây dựng tới 89 sân golf, cũng phi lý và không thiết thực như ảo giác của Dubai vậy.

Việt Long: Theo như ông nhận xét thì tình hình rồi đây sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đồng bạc Việt Nam còn bị mất giá nữa và chính quyền sẽ tuyệt vọng nên đưa ra biện pháp hành chánh là cưỡng bách thu hồi Mỹ kim khiến thị trường càng hốt hoảng, tư bản sẽ bỏ chạy, bong bóng đầu cơ sẽ bể. Nhiều tập đoàn đầu tư quốc tế đã phê phán là chính nhà nước gây hoang mang vì sự bất định của mình và cổ phiếu rồi bất động sản tại Viêt Nam sẽ còn mất giá nặng. Trong giả thuyết ấy thì sau cơn kinh hoàng, một vài xứ có tiền sẽ tung ra để mua lại cả nước với giá rất rẻ gồm có đủ loại tài sản và nhân sự của Việt Nam. Nghĩa là xứ này sẽ mất chủ quyền thực tế vì không thể quyết định về tương lai của chính mình nữa.

Việt Long: Ông nghĩ là nước nào lại có khả năng mua lại cả nước với giá rất rẻ như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng chung quanh thì chỉ có Trung Quốc là có khả năng và cũng có ý muốn ấy!

Việt Long: Tại sao là Trung Quốc mà không phải là một quốc gia khác, thí dụ như Hoa Kỳ chẳng hạn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì Hoa Kỳ ở xa và lại có những ưu tiên khác. Thí dụ như họ có nhu cầu cấp cứu Dubai trong khu vực Trung Đông vì lý do chiến lược của họ. Trong khu vực Đông Á, có Nhật Bản và Trung Quốc đều có khả năng tung tiền gọi là cấp cứu Việt Nam và đưa ra điều kiện của họ. Nếu trường hợp ấy xảy ra thì nhiều phần lãnh đạo tại Hà Nội sẽ thiên về giải pháp bán cho Trung Quốc...

Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.


NGUYỄN XUÂN NGHĨA & VIỆT LONG RFA


No comments:

Post a Comment