Bốn năm trước, với đợt thuyền nhân cuối cùng đến Mỹ từ Phi Luật Tân để chào mừng Thanksgiving năm 2005 tại Hoa Kỳ, một trang sử tỵ nạn Việt Nam chính thức đóng lại. Chúng ta ước mong sẽ khép lại được một quá khứ đau buồn và cùng cầu nguyện cho một tương lai tốt đẹp hơn cho một thế giới không còn tỵ nạn. Chẳng biết đến bao giờ. Giao Chỉ San Jose 2009 |
Tàu Cam Ranh, dài 35 foot chở 35 người. Sau 10 ngày vượt biển được tàu chiến của Hoa Kỳ vớt ngày 15-05-84 ngoài khơi đông Bắc Cam Ranh 350 miles. Tất cả định cư tại Mỹ. Tàu Cam Ranh sau khi vớt người đã được phá hủy trên biển Đông.
Ngay sau khi đệ II Thế Chiến 1939-1945 chấm dứt, thế giới hòa bình lại là lúc dân tộc Việt Nam bắt đầu bước vào một cuộc tranh đấu mới. Cuộc đấu tranh dành độc lập đưa đến những khổ nạn của cả dân tộc.
Trong suốt 30 năm, từ năm 1945 đến 1975, đầy những xung đột can qua đã làm cho dân Việt Nam 2 miền Nam Bắc đều phải tản cư, di cư, tỵ nạn rồi tạm cư và định cư. Biết bao nhiêu gia đình ly tán, chia cắt và biết bao nhiêu tan tác đau thương.
Suốt 30 năm sống trong hận thù chiến tranh, nồi da nấu thịt, cuộc nội chiến khoác chiêu bài ý thức hệ- vì độc lập, vì tự do dân chủ để sau cùng gần 2 triệu người hy sinh, 1 triệu dân tị nạn trên quê hương từ Bắc vào Nam sau, Hiệp định Geneve 1954 và sau cùng 3 triệu dân lưu vong sau Hiệp định Paris 1973.
1.Cuộc di cư thứ nhất sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước
Một triệu người Bắc vào Nam từ 1954 đến 1956, đồng thời 130,000 dân miền Nam tập kết ra Bắc. Người Bắc vào Nam bằng tàu Mỹ và Pháp. Người Nam ra Bắc trên tàu Ba Lan và Nga Sô.
2.Tản cư trong chiến tranh
Sau đó, trong chiến tranh, ở miền Nam dân quê có hàng trăm ngàn người đã phải di tản, nhiều nhất là vùng hỏa tuyến. Tại miền Bắc trong các trận không tập đầu thập niên 70 của Hoa Kỳ, dân thành phố gần 3 triệu người phải chạy về các miền quê.
3.Di tản tháng 4-1975
Hiệp định Paris đình chiến năm 1973, hai năm sau Saigon thất thủ, miền Nam có 130,000 người di tản, đa số định cư tại Hoa Kỳ. đây là kết quả của đạo luật khẩn cấp Indochina Migration and Refugee Act 1975 do tổng thống Ford ban hành.
4.Trại tù cải tạo
Sau khi miền Bắc chiến thắng, thống nhất đất nước, tại miền Nam, trên 1 triệu quân cán chính phải đi học tập trong các trại cải tạo. Tuỳ theo hoàn cảnh và cấp bậc, từ vài tuần, vài tháng đến nhiều năm. Có người bị giam lâu nhất là 17 năm. Nhiều người đã qua đời trong trại cải tạo. Gia đình của tù cải tạo phải tái định cư ở các khu kinh tế mới.
5.Tống xuất Hoa Kiều
Trong khi đó kể từ năm 1978, người Hoa tại Việt Nam bắt đầu bị thanh trừng và cùng một lúc các chuyến vượt biên của người Việt bằng thuyền khởi sự để rồi thành một phong trào từ 1979 kéo dài đến đầu thập niên 1990. Một số 250,000 Việt gốc Hoa miền Bắc đã tìm đường tị nạn tại Trung Hoa.
6.Thuyền nhân
Vào cuối năm 1978 đã có hơn 60,000 thuyền nhân tại các trại tị nạn đông Nam Á. Từ các thuyền đánh cá mong manh chở 1 gia đình 5 người đến Thái Lan cho tới con tàu trên 2,500 người đến Mã Lai như trường hợp tàu Hải Hồng.
7.Làn sóng vượt biên lên cao, đông Nam Á từ chối
Riêng tháng 6-1979 đã có 54,000 thuyền nhân đến các trại. Nếu cho rằng chỉ có 50% thành công thì đã có 100,000 người ra đi trong một tháng. Cũng vào cuối tháng 6, các quốc gia đông Nam á gồm Indonesia, Mã Lai, Phi, Singapore và Thái Lan đã họp khẩn và tuyên bố sẽ đẩy thuyền ra biển.
Liền lập tức tháng 7-1979, đã có biết bao nhiêu thảm kịch xẩy ra. Thái Lan công khai dung dưỡng cho hải tặc hoành hành. Mã Lai kéo tàu vượt biển ra khơi cho chết chìm. Tiếng kêu khóc của người vượt biển thấu Trời xanh, Liên Hiệp Quốc họp khẩn, viện trợ tiền bạc nuôi dân tị nạn, xin thêm cấp khoản định cư trên thế giới và thậm chí cầu khẩn để Cộng Sản Việt Nam giữ cho dân đừng liều chết ra đi.
8.Giải pháp ODP, Orderly Departure Program: Ra đi có trật tự
Để giải quyết vấn đề thuyền nhân qua khía cạnh nhân đạo, thế giới tự do và Hoa Kỳ đưa ra chương trình ODP. Tại Mỹ, The Refugee Act 1980 ra đời và chương trình ra đi có trật tự bắt đầu. Chương trình này kéo dài đến ngày 14-9-1994 thì chấm dứt. Các thành phần còn lại được đưa qua các chương trình đoàn tụ gia đình thường lệ của luật di trú Hoa Kỳ.
9.Con đường định cư, Niềm đau thương trong máu và nước mắt
Từ thảm kịch tháng 7-1979 cho đến tháng 7-1982, nỗ lực 3 năm đã định cư được 623,000 người trên thế giới mà đa số là tại Hoa Kỳ. Và cũng do hậu quả của thảm kịch Biển đông liều chết ra đi trăm ngàn người một tháng, mà tháng 5-1979 Chương Trình Ra đi Có Trật Tự được soạn thảo. Phải đến năm 1984 thì bài toán mới có đáp số vì lúc này tổng kết ghi nhận năm đầu tiên con số vượt biển ít hơn số người ra đi ODP. Năm 1984, con số ODP lên đến 29 ngàn người và thuyền nhân ra đi hạ xuống chỉ còn 24,800 người.
10. Tổn thất trên Biển đông
Thảm kịch thuyền nhân Biển đông đã tạo ra rất nhiều vấn nạn mà trước đây thế giới không hề xẩy ra.
a.Từ các dân đánh cá hiền lành, tất cả ngư dân Thái Lan lần lượt trở thành hải tặc điên cuồng suốt 2 thập niên
b.Hàng ngàn thương thuyền trên biển đông hoàn toàn không tuân thủ luật lệ đạo đức hành hải vì tất cả đã làm ngơ cho thuyền nhân chết trên biển cả.
c.Không ai có thể xác định được số tổn thất của thuyền nhân trên biển, từ 20% đến 40% số người vượt biển đến các trại tỵ nạn.
d.Lần đầu tiên và duy nhất trên thế giới có chính phủ Việt Nam công khải tổ chức cho dân vượt biên để thu góp toàn bộ tài sản để lại.
e.Các quốc gia đông Nam Á đóng vai trò rất phức tạp vừa nhân đạo và bất nhân tùy giai đoạn và đã khai thác tối đa những ngân khoản lớn lao của thế giới về tỵ nạn.
11. Vượt biên đường bộ
Sau một thời gian lắng dịu năm 1984, số tị nạn lại gia tăng trên đường bộ qua Cam Bốt vào năm 1987. Một số lớn không có điều kiện ODP đã tìm lối đi qua Thái Lan từ miền Nam và qua Hong Kong từ miền Bắc.
Năm 1988 đã có 18,000 người vào Hong Kong và mặt khác Mã Lai lại bắt đầu kéo tàu ra biển vào năm 1989.
12. Cứu người vượt biển
Từ Pháp, Úc, Canada và Hoa Kỳ các tổ chức tư nhân, các bác sĩ ngoại quốc và Việt Nam đã lần lượt tổ chcừ các chuyến ra khơi cứu người vượt biển. Phong trào này đã tạo ra nhiều hy vọng và đã cứu được hàng ngàn thuyền nhân trên biển đông. Một cuộc biểu tình thắp nến trước Bạch Cung đã được tổng thống Carter đáp ứng và ra lệnh cho đệ thất hạm đội tiếp tay cứu thuyền nhân vượt biển.
13. Biện pháp mới
Cuối thập niên 80 các đợt sóng thuyền nhân mới gia tăng khi các nước cắt bớt cấp khoản định cư. Các trại tị nạn đông Nam Á trở thành ứ đọng. Các quốc gia Biển đông quyết định một ngày định mệnh, đó là ngày 14/3/1989. Thuyền nhân đến trại sau ngày 14/3/1989 sẽ bị thanh lọc. Và chữ thanh lọc- “đậu hay xù” trở thành ngôn ngữ của thuyền nhân trên đảo, đã lấy đi biết bao máu, mồ hôi và nước mắt của dân Việt trên Biển đông.
14. Vấn đề con lai, Ameriasian Home Coming Act 1987
Người Mỹ đã bắt đầu tìm đến di sản chiến tranh của chiến binh Hoa Kỳ đã để lại Việt Nam và mở rộng vòng tay đón nhận 25,000 hồ sơ con lai với gia đình thân quyến tổng cộng 100,000 người.
15. Cựu tù chính trị
Ngày 30/7/1989 Hoa Kỳ và Việt Nam ký thỏa hiệp để cho cựu tù chính trị ra đi có trật tự cùng gia đình. Chiến dịch này đã gia tăng ODP lên đến 86,451 người riêng vào năm 1991 gồm cả 21,500 cựu tù chính trị và 18,000 con lai.
Thoả ước Việt Mỹ về tù chính trị đã mở cửa trại tù cải tạo cho 109,000 chiến hữu VNCH trở về với gia đình và một số lớ đã làm giấy tờ xin định cư tại Hoa Kỳ.
16. Cưỡng bách hồi hương
Bắt đầu từ 1989, từ thanh lọc bị loại, Phủ Cao Ủy và các quốc gia đông Nam Á phối hợp với chính quyền cộng sản Việt Nam bắt đầu cho cưỡng bách hồi hương. Hàng trăm cuộc biểu tình tuyệt thực tổ chức tại các trại và nhiều người tự tử hay tự gây thương tích để phản đối.
17. Tự nguyện hồi hương
Một chương trình của Liên Hiệp Quốc là khích lệ thuyền nhân ở trại tự nguyện hồi hương. Con số này đã lên đến 56,000 người. Mỗi gia đình được lãnh từ 300 Mỹ kim đến nhiều nhất là $20,000 Mỹ Kim làm vốn tái định cư. Thành phần tự nguyện hồi hương sau đó đã có cơ hội xin đi Hoa Kỳ và có một số lớn hiện đã qua Mỹ.
18. Trẻ em tị nạn
Trong số hàng trăm ngàn dân tị nạn đã có nhiều trẻ em không có thân nhân. Một thể thức đặc biệt đã được áp dụng và sau này hàng ngàn trẻ em không có thân nhân hay cha mẹ chết trên đường vượt biên đã được định cư tại Hoa Kỳ do các gia đình bảo trợ.
19. Các con số thống kê
Tổng kết từ năm 1975 đến 1995 con số thuyền nhân Việt Nam đã đến trại tị nạn là 796,310 người và tị nạn qua đường bộ là 42,918 người.
Trong số này đã có 822,977 người định cư tại Hoa Kỳ và 2 quốc gia UÔc và Canada, có đồng đều mỗi nước có 137,000 thuyền nhân tị nạn.
Có thể nói là cứ hai người tị nạn tại Hoa Kỳ đã có 1 người nếm mùi gia khổ trên biển đông tại các trại tị nạn.
20. Thuyền nhân tật nguyền
Các quốc gia nhỏ bé nhưng đầy tình nhân đạo như Thụy Sĩ, Thụy điển đã cử phái đoàn đến chỉ nhận bảo trợ cho các gia đình thuyền nhân tật nguyền, các trẻ em bất hạnh chậm lớn. Những thành phần bất hạnh, vô thừa nhận của thảm kịch biển đông đã vui mừng chứa chan hạnh phúc khi được bồng bế nhau đi định cư ở Tây Âu gồm cả xe lăn và nhiều người nằm trên cáng trên đường đến xứ tự do.
21. Đợt sóng cuối cùng
Câu chuyện thuyền nhân tại Phi Luật Tân được coi như đợt sóng cuối cùng. Trong khi tất cả các trại tỵ nạn đông Nam Á đóng cửa thì chỉ còn lại câu chuyện về các thuyền nhân tại Phi Luật Tân. Trải qua các đợt cưỡng bách hồi hương, tình nguyện hồi hương, sau cùng trại Palowan của Phi đóng cửa năm 1997.
Hàng ngàn người Việt tỵ nạn tại Phi được giáo hội Thiên Chúa nhận định cư và thành lập Làng Việt Nam. Hàng triệu Mỹ kim của đồng hương trên thế giới quyên góp để xây dựng cho một quê hương Việt trên đất Phi. Kế hoạch không thành vì nhu cầu sinh kế người Việt tỵ nạn phải phân tán kiếm sống trên đất Phi. Dân làng ở lại rất ít.
Hồ sơ tỵ nạn đợt cuối cùng bàn giao từ thế kỷ 20 qua thế kỷ 21. Sau cùng nhờ sự đấu tranh bền bỉ của một luật sư trẻ gốc Việt từ bên Úc tên là Trịnh Hội, Hoa Kỳ bắt đầu nhận phần còn lại vào Mỹ. Sau 18 năm chờ đợi, các gia đình tỵ nạn đã tới Mỹ tháng 10 năm 2005.
Bốn năm trước, với đợt thuyền nhân cuối cùng đến Mỹ từ Phi Luật Tân để chào mừng Thanksgiving năm 2005 tại Hoa Kỳ, một trang sử tỵ nạn Việt Nam chính thức đóng lại.
Chúng ta ước mong sẽ khép lại được một quá khứ đau buồn và cùng cầu nguyện cho một tương lai tốt đẹp hơn cho một thế giới không còn tỵ nạn. Chẳng biết đến bao giờ.
Giao Chỉ
San Jose 2009
GHI CHÚ: Những con tàu lịch sử.
Tàu Tự Do ra đi từ Phú Quốc chở 39 người, tháng 9-1977, vượt qua vịnh Thái Lan và đến Mã Lai. được tiếp tế rồi đi tiếp với phương tiện rất giới hạn đã đến Darwin, Úc Châu tháng 11-1977, vượt trên 6,000 miles. Tàu Tự Do hiện thuộc về viện bảo tàng hàng hải của Úc.
Tàu Cam Ranh. dài 35 foot chở 35 người. Sau 10 ngày vượt biển được tàu chiến của Hoa Kỳ vớt ngày 15-05-84 ngoài khơi đông Bắc Cam Ranh 350 miles. tất cả định cư tại Mỹ. Tàu Cam Ranh sau khi vớt người đã được phá hủy trên biển đông.
No comments:
Post a Comment