*** TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ *** CÔNG KHAI THẢO LUẬN, ÂM THẦM HÀNH ĐỘNG *** Đã đến lúc tòan dân Việt hãy muôn lòng như một quyết chí đấu tranh cho QUYỀN DẠ DÀY, QUYỀN LÀM NGƯỜI, QUYỀN TỰ QUYẾT bằng cách ngay lúc này phải GIẢI THỂ TẬP ĐÒAN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BUÔN DÂN BÁN NƯỚC!!!

2012/07/11

Búp sen tay cúng Phật


Nguyên Tịnh

Chắp tay chào nhau một cách có chính niệm, điều ấy cũng bằng với việc tụng một thời kinh có chính niệm. Hai bàn tay áp vào nhau là biểu tượng của một búp sen đang hé nở để tỏa ngát hương thơm dâng hiến cho đời.




Kính thưa Đại chúng,

Chắp tay chào nhau là một phương pháp thực tập chính niệm.

Chính lúc Phật còn tại thế, Phật cùng chư Tăng khi gặp mặt nhau trong chùa, ngoài đường, giữa rừng, hay dưới gốc cây đều chắp tay chào nhau trong niệm cảm thông và chân thành. Cái chắp tay từ đó trở thành một biểu tượng thiêng liêng cao đẹp của Như Lai cùng chúng đệ tử xuất gia của Như Lai.

Mà không phải chỉ có đức Phật và chư Tăng mới chắp tay chào nhau. Nam nữ đệ tử thuộc chúng tại gia khi gặp Thế Tôn và Tăng chúng, cũng đều đứng trang nghiêm và chắp tay cúi chào. Có người vì thể hiện sự cung kính sâu sắc đối với Phật, với Pháp, với Tăng – ba viên Ngọc quý của đời, mà chắp tay cúi mọp người lạy sát dưới bàn chân những vị xuất sĩ.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều người dù không thuộc truyền thống tu và học theo giáo pháp đức Phật, nhưng có thể sau một buổi có duyên được nghe những lời dạy cao đẹp từ pháp giải thoát, liền trở nên hoan hỷ và thanh tịnh, cũng thể hiện lòng cung ngưỡng Tam Bảo y hệt chúng tại gia thuần thục. Điều này còn được ghi chép lại trong rất nhiều kinh sách.

Ngày nay, truyền thống quý báu đó phần nào đã bị coi nhẹ trong nếp sống thiền môn và thường nhật của đông đảo Phật tử. Nhiều người trong chúng xuất gia không thực tập, chúng tại gia cũng như vậy, nói gì đến những người theo các truyền thống khác.

Bỏ quên một hành động nhỏ như vậy sẽ trở thành một sự mai một và mất mát lớn, sẽ đáng tiếc vô cùng, bởi đó là hành động thật cụ thể, thật đẹp, thật dễ thương thoát ra từ người thực tập. Vì vậy, là Phật tử, chúng ta nên giữ gìn và áp dụng điều ấy hằng ngày.

Đừng nghĩ rằng đó là một nghi lễ, một việc làm hình thức mà mình miễn cưỡng thể hiện với người khác. Hãy ý thức được đó là một pháp tu tập thiêng liêng cho mình.

Chắp tay chào nhau một cách có chính niệm, điều ấy cũng bằng với việc tụng một thời kinh có chính niệm. Hai bàn tay áp vào nhau là biểu tượng của một búp sen đang hé nở để tỏa ngát hương thơm dâng hiến cho đời.

Đứng trước tôn tượng Phật, Bồ tát hoặc Tổ sư, chúng ta chắp tay để cúng dường lên quý ngài một đóa sen lòng tinh khiết thanh tịnh, và hạnh phúc làm sao khi biết rằng quý ngài đang có mặt rất thật bên cạnh mình, trong lòng mình.

Đứng trước quý Thầy, quý Sư cô, chúng ta chắp tay chào để thể hiện sự trân quý và kính trọng, thật hạnh phúc làm sao khi chúng ta biết những vị đang đi trên con đường sáng có mặt rất thật bên cạnh mình, trong lòng mình.

Ngồi trước một bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp tình, trước một trang kinh đầy ý nghĩa, trước một bài học cao quý đời thường, chúng ta chắp tay để tri ân những nhân tố liên hệ với bữa cơm, với trang kinh, với bài học ấy, thật hạnh phúc làm sao khi ta thấy được cả vụ trụ đang có mặt rất thật bên cạnh mình, trong lòng mình.

Búp sen tay và cái cúi đầu trang nghiêm là toàn bộ hương thơm phát xuất từ tận trái tim thương yêu và hiểu biết để chúng ta cúng dường lên người đang đối diện với ta, người mà trong hiện tại nhờ tinh chuyên tu tập sẽ thành Phật trong một ngày gần, sẽ đem niềm vui đến cho muôn loài. Chúng ta nguyện cũng sẽ đi trên con đường đầy tình thương và trí tuệ, vì chúng ta thấy rằng, trong thân và tâm mình cũng có sẵn rất nhiều hạt giống tình thương cùng trí tuệ đó.

Chỉ cần tưới tẩm chăm sóc hết lòng, chúng cũng sẽ hé nở và tỏa hương thơm cho mình và dâng đời. Búp sen dâng cúng người cũng là lúc trong trái tim tự thân nở ra một đóa sen giải thoát.

Đó là sự bình đẳng về đức tính Phật trong mỗi người mà chúng ta có thể gởi trao nhau trọn vẹn chỉ qua thông điệp của cái chắp tay mộc mạc. Như vậy là sự hành trì của mình đã mang lại lợi ích thiết thực trong hiện tại.

Chắp tay chào là cách nhắc nhở cho ta cũng như cho người. Lòng khiêm hạ, tôn kính, bao dung, trong sáng, tỉnh thức sẽ có mặt tròn đầy và thêm một lần nữa được nuôi dưỡng.

Một ai đó khi được chắp tay cúi đầu hành lễ, người đó sẽ được trở về với chính niệm, trở về với thiện tâm, họ ý thức được họ phải xứng đáng với niềm ngưỡng trọng trên. Mảnh đất tâm một lần nữa lại được gieo những hạt lành. Búp sen tay của ta biến thành một tiếng chuông nhắc nhở, gợi lại cho người đối diện nhận ra mình là một đệ tử Phật, mình phải làm gì để thích ứng với danh xưng ấy. Ngang đây thì có thể khẳng định, với cái chắp tay được thực tập thuần thục, chúng ta sẽ thắp sáng lại được trái tim tuệ giác và cứu sống được luôn cả những linh hồn vốn dĩ thường đi hoang.

Hiểu được như vậy, đừng bao giờ chắp tay chào ai một cách hình thức, máy móc và cẩu thả. Hình ảnh ấy còn xấu và tệ hơn là một người không chắp tay lại. Chúng tôi đã bắt gặp những người chắp tay chào như vậy với chúng tôi hay với những người xung quanh, để rồi chúng tôi thấy trong hành động hời hợt đó mang theo một sự mất mác rất lớn đối với hình ảnh đẹp của đạo Phật. Chính tự thân chúng tôi cũng đôi lần mắc phải những sai lầm ấy, khi nghĩ lại thì rất hổ thẹn.

Đây chính là lý do để chúng tôi có ý tưởng chia sẻ vài dòng tâm sự hôm nay, cũng là cách nhắc nhở chính chúng tôi phải có trách nhiệm khuyến khích và khơi gợi lại những hình ảnh bình dị mà không thể thiếu của truyền thống đạo Phật thông qua sự thực tập tự thân. Chắp tay chào ai, mình nên dừng lại, ý thức được mình đang chắp tay chào với tất cả tấm lòng mình. Chỉ mất 5 hay 7 giây để ta thực tập, nhưng nó sẽ sống mãi với cuộc đời, với lòng người.

Nở ra từ bàn tay nhỏ
Vẹn tròn hiểu biết yêu thương
Đóa sen thơm ngát cúng dường
Trong Người, trong Ta, trong Phật!


Sẽ còn rất nhiều ý nghĩa dễ thương tỏa ra từ búp sen tay. Chúng tôi xin chia sẻ cùng Đại chúng trong những lần sau.

Cuối cùng, chúng tôi xin nhắc lại, chắp tay chào nhau, đó không phải là một lễ nghi máy móc của đạo Phật, đó chính là một phương pháp tu tập thiêng liêng mà đệ tử Thế Tôn cần chính niệm thực tập hằng ngày.

Chúc Đại chúng gặt hái được nhiều sự an lạc trong tu tập.

Nguyên Tịnh

No comments:

Post a Comment