*** TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ *** CÔNG KHAI THẢO LUẬN, ÂM THẦM HÀNH ĐỘNG *** Đã đến lúc tòan dân Việt hãy muôn lòng như một quyết chí đấu tranh cho QUYỀN DẠ DÀY, QUYỀN LÀM NGƯỜI, QUYỀN TỰ QUYẾT bằng cách ngay lúc này phải GIẢI THỂ TẬP ĐÒAN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BUÔN DÂN BÁN NƯỚC!!!

2012/03/25

Bệnh "nổ" ở Mỹ rất thịnh hành?

Bệnh "nổ" ở Mỹ rất thịnh hành?

Vũ Công Hiễn
 
Tự dưng , nghe nói "nổ dzăng miểng" thì có lẽ ai cũng hơi giật mình, nhưng nghĩ lại, thì chuyện "nổ" trong nước Mẽo này là chuyện dài "nhân dân tự dệ". Hôm rồi, "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" nên mới được nhìn thấy một tấm "bi-di-nít cà" (business card) của một vị ở đâu tuốt bên Tếch-xịt (Texas), ghi chép rất lộng lẫy: "Tiến Sĩ Nguyễn Văn Tuyến, chuyên viên Thuế Vụ". Người đọc rất lấy làm khâm phục vì ít khi có vị tiến sĩ nào chê "dóp" của các cơ quan chính phủ hay tư nhân mà đi làm thuế lui cui một mình. Chừng đến khi đọc kỹ lại mới biết ngài Tiến Sĩ có tới mấy cái bi-di-nít-cà lận! Cái thì đề "chuyên viên địa ốc", tờ thì viết "chuyên viên bảo hiểm xe, nhà, động đất..."

Hóa ra lại một ngài Tiến-Sĩ-Nổ nữa, giống như một vị khoe có mấy cái bằng tiến sĩ ở Cali, nhưng nghe người ta đồn thì ngài nói tiếng Anh như mấy ông phương Bắc mới qua An Nam bán lạc xoong: "Ai... lồ lồng, lồ nhôm, lồ sắc, lồng hồ, dàng dụng, bạc dụng bán hôn?". Cách phát âm y hệt như một chàng sửa xe, lúc nào cũng khoe có bằng Master of Mechanic! Ngay trên tấm thiệp đề tên tiệm sửa xe, chàng đề sau tên chàng một chữ M.Ạ thật lớn, trông oai khiếp! Rồi mấy văn phòng bảo hiểm xe hơi cũng thấy bằng tiến sĩ, văn phòng bảo lãnh thân nhân đi du lịch cũng do một ông tiến sĩ cai quản. Tạ ơn Trời, người Việt di tản tài năng thiên phú, lấy bằng tiến sĩ dễ như ăn ớt vậy! Nhưng sao lại có người cho rằng mấy ông tiến sĩ đó là "Tiến Sĩ Nổ"?

Vậy thì bệnh "Nổ" phát sinh ở đâu ra?

Hình như sau khi sang Mỹ, khí hậu thay đổi, từ miền nhiệt đới qua xứ lạnh, dễ bị lạnh cẳng, nhiều người di tản phải nổ đùng đùng để hâm nóng cơ thể lên hay sao ấy, nên đi đâu cũng nghe tiếng nổ? Vừa mới gặp nhau lần đầu đã vội vã khoe "nhà tôi rộng cả mấy héc-ta..", hoặc "nhà tôi trị giá trên ba bốn trăm, trả off rồi" Con cái thì ra trường bác sĩ, kỹ sư như kiến.

Cậu nào, cô nào cũng làm cả trăm ngàn một năm. Vài vị ca tụng con mình làm "hai trăm đô một giờ" và thở dài mấy hơi làm như vẫn còn ít lương quá. Các cô tiểu thư, theo lời của các vị làm cha mẹ, đều lấy bằng hoa hậu hết. Cô nào cũng cả chục chàng theo. Người nghe, ai cũng khoan khoái vì dân tộc mình giỏi giang, văn chương chữ nghiã cùng mình, hầu như không có ai làm việc loại lao động mà người Mỹ gọi là "cổ xanh" (blue collar) cả. Lại cũng hân hoan vì cha mẹ nào cũng bái phục con sát đất, không còn cảnh "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" nữa.

Đến thăm mấy ông bi-di-nít thì nghe tán dương" căn phòng này rộng mười mấy ngàn que-phít(square feet)" (có khi rộng đến vài chục ngàn que-phít) mặc dầu chỉ cần vài người khách hàng là cửa tiệm có mòi chết đứng vì không chỗ đặt chân. Hôm nọ, gặp một chàng khoe nhà có nuôi gà nòi, người nghe mới buột miệng hỏi: "Ủa , ở thành phố mà nuôi gà được sao?".

Chàng bèn hất hơi cao cái cằm lên một tí và nhìn người hỏi với một cái nhìn thương hại: "Nhà tôi tuy ở phố nhưng dư điều kiện nuôi gà." Ngừng một hai giây cho câu nói thấm vào hồn người nghe, chàng mới tiếp:"Nhà tôi những mấy ác cơ (acre) lận! Mà nhà rộng mấy ác cơ là có điều kiện nuôi gà." Một chủ nhân ông ở xứ hoa vàng, có cái biệt thự trên đỉnh đồi, có hai đường đi lên đi xuống khác nhau, muốn hù người bạn Hát Ô mới sang trong một bữa tiệc họp mặt, rút cái rê-đít cà ra dí dí vào mắt chàng Hát Ô:
"Biết cái gì đây không? Cái này là cạc vàng, gôn cạc đấy, trị giá hai trăm ngàn trở lên, tiền đấy, muốn xài lúc nào cũng được. Anh phải ở đây hai mươi năm và đi làm lương cao mới được nhà băng nó tặng cái cạc này!"

Vừa mới qua Mỹ, chân ướt chân ráo, đi làm có mấy tít một giờ, chàng Hát Ô nghe nói cả trăm ngàn thì đớ lưỡi, nể nang quá, vì chắc mẩm đời mình tàn tạ rồi, làm gì có cơ hội có cái thẻ đó. Lại gặp một ông chủ tiệm phở ăn mặc rất sang trọng. Ông chủ ngắm nghía cái cà-là-vạt mác Good-Will của chàng Hát Ô một cách tội nghiệp, rồi tự móc cái ca-la-hoách của ông ra mà dứ dứ vào người đối diện, hỏi:"Anh biết cái tai này của tôi bao nhiêu tiền không?
Của Ý đấy! Gioọc Dô Ạc Ma Ni (Giorgio Armani) đấy!" Nghe mấy chữ "Gioọc Dô, Gioọc ra" được phát âm một cách trầm trọng, chàng Hát Ô ú ớ, mặt cứ nghệt ra, vẻ Cả Đẫn rõ rệt. Ông chủ tiệm phở đợi một lúc rồi mới phán:"Trên năm trăm đô đấy, chưa kể thuế!". Những tiếng mấy trăm đô cùng mùi phở ở trên người ông bay ra làm chàng Cả Đẫn lảo đảo. Chưa hết, ông lại nổ thêm một quả cho chàng lăn đùng ra: "Anh biết không, tôi có lệ là cứ mỗi năm, đúng tháng Tết và tháng hè, đến Bun-lóc (Bullocks) để mua một bộ vét, bất kể giá cả, và cũng không cần mặc làm gì. Ngoài ra, nếu có họp hội gì long trọng, tôi phải còm măng một bộ khác. Hãng Bun-Lóc biết thế, nên cứ ra một kiểu mới nào, lại gửi đến nhà tôi. Bây giờ, nhà tôi toàn đồ vét, mang ra bán cũng mất một thời gian!". Lấy ngón tay chỉ vào cái huy hiệu con ngựa đang co cẳng mầu xanh trên ngực áo sơ mi, ông thở dài, nhún vai: "Hồi này thú thật với anh, kinh tế xuống, chỉ dám mua cái áo này có vài trăm thôi".

Hãi hùng quá! Chủ một tiệm phở mà oai như vậy, thì chủ một khách sạn còn kinh khiếp bao nhiêu! Một anh bạn trẻ khác, thấy dân mới qua đi đôi giầy có mười lăm tì ở Payless Shoe Source, thì tự tụt giầy mình ra, giơ lên cao, ngắm nghía: "Đôi giầy Bali của Ý này sơ sơ có ba xín thôi, đi vào đã như đi trên mây vậy!". Người tuổi trẻ này lái một chiếc xe Xêlicà (Celica) mới toanh, được năm tháng thì phải năn nỉ một tên bạn khác xài giùm chiếc xe này cho khỏi bị "tâu", vì lương tháng không đủ cho chàng uống cà phê, sau khi đóng tiền xe, tiền bảo hiểm, tiền share phòng… Chàng đành chịu mất toi tiền deposit khi mua xe, còn hơn bị tâu (tow) xe và bét rê-đít (bad credit). Bạn chàng, một người thích chơi nổ khác thì mua cái xe Mẹc Xê Đì (Mercedez), nhưng chỉ khi nào đi lấy le thì mới dám chạy, còn thường thì chàng cho đậu ở gara, vì không có tiền đổ xăng!

Với các nàng, thì lại có lối nổ khác. Một bà chủ tiệm "neo" (nail) tre trẻ, vẻ mặt rất căng thẳng, thì thầm với cô bạn: "Tối nay, em phải "oọc đơ" trước ở tiệm Noọc-xơrom (Nordstrom) ép chàng vào lề. Chàng xuống xe, hỏi chị muốn gì, chị liền cười tình với chàng rồi rủ chàng vào khách sạn!". Trong một tiệm bán tạp hóa, một nữ sĩ caraokê đứng hát tỉ tê vài lời rất ướt át, mặc cho các khách hàng khác, cả nam cả nữ, đứng ngẩn người ra nhìn. Chừng như hát cũng chưa đủ đô, nữ sĩ nói một hơi với mấy cô bán hàng:
"Em biết không, tuần nào chị cũng được mời đi hát ở mấy tiệc cưới rồi hội đoàn. Mỗi lần chị hát, người ta cứ ngẩn người ra mà vỗ tay." "Mà chị hay hát bài gì ?" "Chị ấy à, nhạc tủ của chị là Trịnh công Sơn. Chị hát không thua gì Khánh Ly!" Người nghe cứ tưởng tượng rằng giọng Khánh Ly mà xêm-xêm giọng chị, chắc nhạc Trịnh Công Sơn đã yểu tử tự hồi nẫm rồi.

Một vài bà phu nhân, từ xửa xưa vốn học sinh, rồi lên xe hoa về nhà chồng, nay bon chen vào chốn cộng đồng, cũng "nổ" lên bằng bộ đồ nhà binh bóng loáng, đi giầy bốt-đờ-sô cồm cộp, rồi chào tay cũng oanh oanh liệt liệt. Mà chào tay cũng đúng cách lắm, nhìn xa, tưởng ít nhất cũng mang ba hoa bạc… Hỏi ra, mới biết chồng bà cũng chưa có ngày nào biết "khởi đi bằng chân trái" như lời Dương Hùng Cường ta thán trong phim "Người Tình Không Chân Dung" ngày xưa.

Đi thăm mấy vị cựu quân nhân, công chức thì thấy cứ tự động thăng quan tiến chức ầm ầm. Trung Sĩ thành trung uý, hạ sĩ thành thiếu úy, nhân viên thường thành giám đốc... Người viết có dịp quen với một ông thiếu tá Cảnh Sát Đặc Biệt một thời gian lâu, mãi sau mới biết ngài thiếu tá cũng là Cảnh Sát Đặc Biệt thứ thiệt, nhưng chức vụ cuối của ngài là "Hạ Sĩ Tài Xế!" của một vị thiếu tá khác! Trong nhiều cuộc lễ lạc, mấy ngài vốn chuyên viên "văn phòng tứ bảo" biến thành Biệt Động Quân họăc Nhẩy Dù hết (hình như họ cho là Bộ Binh không đánh giặc hay sao ấy?).
Ai cũng mặc rằn ri cho oai. Nhưng, thật ra, mấy cái nổ trên chỉ là pháo tép thôi, chưa có "dzăng" miểng vào mặt người đối diện bằng khi một người bạn cho biết anh ta là vị tổng tư lệnh có 15000 quân hiện đang đóng tại biên giới Thái Lan, không phải ở biên giới Lào Việt, cách xa biên giới mình cả mấy giờ chim bay! Tưởng tượng chỉ cần tiền nuôi ăn cho 15000 lính đó cũng đủ ná thở, chưa kể quân trang quân dụng, vũ khí, đạn dược... Rồi doanh trại cho 15000 người đó, chắc tiền điện, tiền nước, tiền phôn cũng khùng luôn! Chưa kể tiền làm vệ sinh cho hàng ngàn cái toa lét nữa! Cha chả, 15000 người không phải là con số nhỏ, làm sao chính phủ Thái Lan lại không biết cà ? Rồi tập trận, huấn luyện ở đâu ? Hễ có tập trận phải có tiếng nổ, mà nổ thì dân chúng quanh vùng phải nghe, Việt Cộng phải thấy, vậy mà không ai lên tiếng phản đối gì cả ! Bộ có phép thần thông đi mây về gió, phi thân trên mái nhà, hay phù phép gì mà những mấy sư đoàn đó không ai nhìn thấy hết? Trong sinh hoạt chính trị, lại còn một lô những bộ trưởng, thủ tướng, (cũng may chưa có tổng thống!), và chủ tịch lia chia.


Những chức vụ vô thưởng vô phạt như Trưởng một hội ái hữu học sinh hay hội đồng hương cũng đều mang danh hiệu "chủ tịch". Có lẽ danh xưng "Hội Trưởng" nghe không nổ bằng danh xưng "chủ tịch" nên ai cũng đua nhau làm "chủ ", hay tại vì đã ngấm trong tim, câu "Chủ Tịch *** vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta" nên nhiều nguời cũng mong được điền tên mình vào câu đó để thành chủ tịch vĩ đại. Số lượng chủ tịch đông đến nỗi nếu đi chợ thì sẽ gặp chủ tịch nhiều hơn là hội viên! Và cũng từ đó mà tranh chấp nhau, thanh toán nhau tơi tả. Thông cáo, thông báo được phân phát như bươm bướm. Truyền thông, truyền thanh biến thành dụng cụ nổ tan xác nhau.

Tình đồng hương, tình đồng môn, tình di tản, tình đồng đội bị nhạt đi, thay vào đó là sự tiêu diệt lẫn nhau một cách đau đớn. Đủ loại đạn nổ chụp bắn ra kinh hoàng. Cùng chống Cộng nhưng không chung đường lối, không chung vhủ tịch là một bên biến thành Cộng Sản trước, rồi bên kia biến thành "ăng ten" sau. Cùng đồng môn một trường có tới nhiều năm học chung, lại chia hai, xé ba, rồi đâm đơn kiện nhau, dành chức chủ tịch, đến nỗi người Mỹ họ nghi ngờ tuốt luốt và cho là cộng đồng Việt phân hóa trầm trọng.

Chính quyền địa phương và các dân cử địa phương có thể vì đó mà giảm những chương trình phúc lợi cho cộng đồng, bớt "dóp" cho người Việt, không cần lắng nghe tiếng nói trung thực của ngưới Việt, có thể có kỳ thị sắc tộc với người Việt…Những chương trình lớn như kêu gọi Nhân Quyền cho Việt Nam, giải thể chế độ độc tài, bất công, nhũng lạm Cộng Sản tại quê nhà đã bị mất đi một phần hữu hiệu. Các chính khách, chính quyền bản xứ nếu muốn tiếp tay với cộng đồng để chống Cộng cũng ngần ngại không biết liên lạc với bên nào mà không bị nổ chết chùm do đó họ cũng đánh bài "lờ" cho chắc ăn.

Chung quy cũng là tại tính ham "nổ", hám danh! Ô hô! Ai tai! Đau đớn thay và tức tưởi thay! Biết dến bao giờ người mình mới bớt "nổ" và sống hiền hòa như những ngày giản dị năm xưa, để danh dự của người Việt Nam mình được thật sự tôn trọng, để công cuộc đòi Tự Do, Dân Chủ cho dân mình được thành công?

Vũ Công Hiễn

No comments:

Post a Comment