*** TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ *** CÔNG KHAI THẢO LUẬN, ÂM THẦM HÀNH ĐỘNG *** Đã đến lúc tòan dân Việt hãy muôn lòng như một quyết chí đấu tranh cho QUYỀN DẠ DÀY, QUYỀN LÀM NGƯỜI, QUYỀN TỰ QUYẾT bằng cách ngay lúc này phải GIẢI THỂ TẬP ĐÒAN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BUÔN DÂN BÁN NƯỚC!!!

2011/08/04

CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM CÓ ĐỘC TÀI HAY KHÔNG ?

CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM CÓ ĐỘC TÀI HAY KHÔNG ?


Nguyễn Kha


Muốn biết một chế độ, bất kỳ chế độ có tên gọi là gì, có độc tài hay không, ta chỉ cần đơn giản trả lời ba câu hỏi rất cụ thể, dễ kiểm chứng, và bất khả phản bác sau đây:


1- Chế độ đó có khung pháp lý cho đối lập chính trị hay không ?

Nếu không có khung pháp lý đó, hay có đối lập mà bị đàn áp thủ tiêu, thì chế độ đó chắc chắn độc tài. Hiến pháp 1956 thiết định Quốc hội chỉ có một Viện, không có "Thượng Viện" như quốc hội Mỹ, nơi định chế hóa sự có mặt của đảng phái. (Phải đợi đến sau 1963, khi thành lập Đệ nhị Cọng hòa với Hiến pháp ban hành vào tháng 4 năm 1967, Quốc hội mới có thêm Thượng Viện với sự có mặt của 6 liên danh đại diện cho các đảng phái và khuynh hướng chính trị). Do đó, từ tiên quyết, chế độ Diệm đã không thừa nhận và khuyến khích một chế độ đa đảng, vì vậy mà khi đi vào thực tế sinh hoạt, xã hội miền Nam không phải là một xã hội đa nguyên chính trị. Chế độ Diệm:

- đã đàn áp các đảng phái quốc gia đến nỗi Đại Việt Quốc Dân đảng phải lập chiến khu Ba Lòng ở Quảng Trị để võ trang chống lại, còn các đảng khác như Việt Quốc, Duy Dân, Dân Xã thì co cụm lại đi vào bí mật để đối lập,

- đã thủ tiêu mạng sống của đối lập chính trị (Tạ Chí Diệp, Nguyễn Tấn Quê, Vũ Tam Anh, Nguyễn Bảo Toàn, Ba Cụt Lê Thành Vinh, Trình Minh Thế, Hồ Hán Sơn …) Đó là chưa nói đến những Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Đắc Phương, Võ Côn, Trần Bá Nam, … trong vụ án gián điệp miền Trung - Oan hồn những người nầy bây giờ không biết có được nhóm tàn dư Cần Lao Công giáo ở hải ngoại thắp cho nén hương mỗi lần họ làm thánh lễ "cầu hồn" cho ông Diệm vào ngày 1 tháng 11 không ? Và bạn bè, đồng chí, bà con của những oan hồn nầy nghĩ gì về những vọng ngôn xảo ngữ của những "sử gia" hoài Ngô đang sơn phết lại "Ngô Tổng thống muôn năm" để bóp mép lịch sử và chia rẽ dân tộc,

- đã kết án rồi tìm cách giết các nhà đối lập chính trị thuộc nhóm "Caravelle" khi ra lệnh cho phi cơ của Không quân thả bom xuống Hải vận hạm HQ401 khi chiến hạm nầy đang trên đường chở các nhà đối lập nầy ra nhà tù Côn đảo,

- đã cưởng bức o ép đến nỗi ông Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh) phải tự tử và để lại câu trối trăn tiền định: "Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hũy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do."


2- Trong nhà tù của chế độ có chính trị phạm hay không ?

Nếu có chính trị phạm, dù chỉ một người, thì chế độ đó chắc chắn độc tài. Chế độ Diệm, theo Avro Manhattan trong "Vietnam, Why Did We Go ?", đã bỏ tù hơn 300,000 người vì lý do chính trị. Theo ông Lê Nguyên Long, một lãnh tụ Quốc Dân Đảng ở miền Trung, thì hàng ngàn cán bộ của đảng ông đã bị nhóm "Cần Lao ác ôn" (như ông Quận trưởng tên Thái ở Điện Bàn, Quảng Nam) vu cáo là Việt Cọng rồi bỏ tù theo luật 10/59. Trong Nam thì đội Phước kéo lê máy chém đi hành hình không biết bao nhiêu người kháng chiến yêu nước không-Cọng sản trong chiến dịch Tố Cọng của bộ trưởng Trần Chánh Thành. Ngoài ra còn hai nhà tù siêu chính phủ là "Chín hầm" ở Huế của ông Ngô Đình Cẩn không nằm trong hệ thống Tư pháp quốc gia , và trại biệt giam P42 của ông Ngô Đình Nhu, cũng bí mật không thuộc cơ quan nào của chính phủ cả, ở gần Sở thú Sài Gòn, đã nhốt biết bao nhiêu người chiến sĩ yêu nước nhưng không chịu được chế độ độc tài của Thục-Diệm-Nhu-Cẫn (như các cụ Nguyễn Xuân Chử, Xuân Tùng, Trần Văn Hương, Phan Bá Cầm, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Lực, Phan Khắc Sữu, …)


3- Trong sinh hoạt ngôn luận, có tự do báo chí hay không ?

Nếu không có tự do báo chí thì chế độ đó chắc chắn độc tài. Chế độ Diệm có ông Bộ trưởng Thông tin cũng là Chủ tịch Phong trào Tố Cọng toàn quốc, ký giả nói gì viết gì cũng phải trong cái khung tố Cọng, dọa nhau thì lại chụp cho cái nón cối lên đầu. Lại có hệ thống Cấp bông giấy (in báo) để khống chế quyền độc lập của chủ báo, và có gia nô của chính phủ độc quyền hệ thống Phát hành thì làm sao nói đến tự do báo chí nữa.

► Nhật báo Tự Do của các ông Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Lưu Đức Sinh (Mặc Thu), Lê Văn Tiến (Như Phong), Tam Lang (Vũ Đình Chí) ... lúc đầu là diễn đàn chống Cọng sâu sắc và hiệu quả nhất nhưng cuối cùng cũng không thể hợp tác được với chế độ Diệm. Số Xuân Tự Do năm Canh Tý (1960), vì in hình bìa của họa sĩ Phạm Tăng vẽ 5 con chuột (vừa tượng trưng cho tuổi Tý của ông Diệm vừa tiêu biểu cho 4 anh em Ngô Đình và bà Nhu) đang gậm nhắm đục khoét trái dưa hấu (tượng trưng cho miền Nam) nên báo bị đóng cửa và các ký giả thì đi tù.

► Nhà báo Vũ Bằng mô tả tình trạng làm báo dưới chế độ Diệm trong tác phẩm nổi tiếng "Bốn Mươi Năm Nói Láo" (Cơ sở Xuất Bản Sống Mới – Sài Gòn – 1969, trang 204 đến 263) như sau:

… nhà báo đối lập chẳng trước thì sau cũng bị lâm vào mấy cái thế sau đây: báo bị đóng cửa; chủ nhiệm, quản lý … bị đưa đi bí mật ban đêm; nếu không thế thì một ngày đẹp trời nào đó tự nhiên cũng bị ghép vào tội gá bạc, tống tiền, dỗ gái vị thành niên hay đi lừa đảo, đưa ra toà, gia sản bị tịch biên, có bao nhiêu vốn liếng đi tiêu hết.

… ông Nhu và vợ đặt ở các văn phòng các đường phố một số mật báo viên , có nhiệm vụ báo cáo những phần tử chỉ trích chánh phủ; ngoài ra theo dõi hành động của các tờ báo khác, hồ thấy viết một câu nào xa xôi, xách mé bóng gió thì đóng cửa vĩnh viễn, còn ký giả nào bướng bỉnh, không quy phục thì chụp cái nón cối Cọng sản lên đầu, cho xuống hầm tối để không bao giờ lên được đất liền nữa, hoặc có lên được cũng mù loà, què quặt, bán thân bất toại.

… Không khí làng báo lúc ấy thực đìu hiu, tẻ lạnh. Mỗi buổi sáng, người làm báo nhận được những cú điện thoại cho biết phải tránh những tin gì không được nói, những lời tuyên bố nào của ông Diệm, bà Nhu phải làm to; thậm chí lại có khi buộc phải đưa câu nói này của bà Nhu lên làm vơ-đét tám cột, diễn văn kia của ông Diệm năm cột và kèm theo thật nhiều tranh ảnh.

… Báo nào mới ra đời cũng la thét ghê gớm lắm: nào dám nói, dám làm, dám chửi; nào phục vụ nhân dân, đứng hẳn về phiá đối lập, đòi công bằng xã hội, tranh đấu cho đồng bào có cơm no áo ấm; nào quét sạch thối tha, nhơ bẩn, dám làm, dám chết…nhưng rút cục trong một chính thể độc tài, nô lệ, dân chủ ngụy tạo như chính thể nhà Ngô, chẳng có một tờ báo nào thoát được ra ngoài quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm.

► Còn ba nhà báo tên tuổi là Từ Chung (báo Chính Luận), Hiếu Chân (tên thật llà Nguyễn Hoạt làm báo Tự Do) và Chu Tử (tên thật là Chu Văn Bình làm báo Sống), ngay sau khi chế độ Diệm sụp đổ, trong "Lời Hiệu triệu các Nhà Văn Nhà Báo" đăng trên báo Ngôn Luận số ra ngày 4/11/1963, đã hối hận thú nhận rằng:


Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ, giải phóng con người vậy mà trong thời gian vừa qua, vì cơm áo, khiếp nhược, đớn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội sự thật, phản bội dân tộc, cam tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Dù chúng ta có viện bất cứ lẽ gì để bào chữa, chúng ta cũng không thể chối cãi được tội lỗi của chúng ta đối với đồng bào, lịch sử...

Cách mạng 1/11/1963 là cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút phi cầm phi thú, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người đã tới... Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi văn nghệ sĩ, bằng máu và nước mắt, mồ hôi mà trong chín năm qua bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố...

Chế độ Ngô Đình Diệm, sản phẩm chính trị của Mỹ và Vatican, không xuất sinh từ dân tộc, lại hội đủ 3 yếu tố của một chế độ độc tài, nên đã bị dân tộc Việt Nam khước từ và thời đại ném vào sọt rác.

Nhưng ngày nay, đã bước vào thế kỹ 21, vẫn có chỉ một bộ phận muốn bào chữa cho nó mà thôi: Vatican !

Nhưng không phải là Vatican thì còn ai vào đó nữa ? Thật là thảm thương !


Nguyễn Kha

No comments:

Post a Comment