*** TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ *** CÔNG KHAI THẢO LUẬN, ÂM THẦM HÀNH ĐỘNG *** Đã đến lúc tòan dân Việt hãy muôn lòng như một quyết chí đấu tranh cho QUYỀN DẠ DÀY, QUYỀN LÀM NGƯỜI, QUYỀN TỰ QUYẾT bằng cách ngay lúc này phải GIẢI THỂ TẬP ĐÒAN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BUÔN DÂN BÁN NƯỚC!!!

2014/04/23

Nhà của công là nhà của ông, đường cũng là của ông


Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 21.4.2014 

Nhà của công là nhà của ông, đường cũng là của ông

Người dân VN không còn xa lạ gì với cái cảnh nắn đường cho tiện việc giao thông đi lại vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc vửa làm đẹp khu phố hay toàn thành phố. Nhưng… nói vậy mà không phải vậy.

Khi mới bắt đầu đo vẽ bản đồ làm quy hoạch, con đường thường được vẽ rất đẹp, rất hợp tình hợp lý và người dân sẵn sáng ủng hộ. Tất nhiên chẳng ai muốn đang êm nhà ấm chỗ lại bị phá đi, tìm đến một nơi khác. Người VN có câu "ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà", vậy mà phải phá dỡ một phần hay di dời toàn diện sẻ ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ cuộc sống của mọi người trong gia đình.

Nhưng nếu đó là lợi ích chung của xã hội, người dân vui vẻ làm theo. Nhưng khi con đường được thực hiện, người ta lại nhận thấy nó bị bẻ cong để thực hiện lợi ích của một "nhóm lợi ích" hoặc cố tình né tránh nhà một quan chức nào đó, tất nhiên sẽ bùng nổ bất bình vì sự gian lận.

Chuyện bẻ cong đường tại Hà Nội đang làm dư luận nóng như lò lửa, chưa biết thực hư ra sao. Thật ra chuyện này đã từng xảy ra ở rất nhiều địa phương, gây ra nhiều tai tiếng và phẫn nộ. Trước khi nói đến chuyện ở Hà Nội, hãy lấy một thí dụ gẩn nhất và cụ thể nhất.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long bẻ cong đường

Sáng 10-8-2013, cơ quan chức năng ở tĩnh Vĩnh Long đã chính thức ra quân đập phần nhà xây vượt quá giấy phép của ông Phạm Văn Đấu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, để mở rộng vỉa hè đường Bạch Đàn (TP Vĩnh Long) cho đúng theo dự án đã phê duyệt là 4,5 mét.

Nguyên do là vào năm 2008, trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Phạm Văn Đấu cho xây nhà to lớn trên đường Bạch Đàn nhưng có một số phần vượt giấy phép, phạm vào đất dự án mở đường Bạch Đàn. Năm 2009, cán bộ thiết kế thi công và thẩm định của Sở GT&VT tỉnh Vĩnh Long dù biết Chủ tịch UBND tỉnh xây nhà không đúng theo giấy phép được cấp nhưng vì "sợ uy" ông Chủ tịch tỉnh nên đã né ngôi nhà, bóp vỉa hè nhỏ lại chỉ còn khoảng 3 mét. 

Tất nhiên những kiểu tránh né nhà quan sẽ làm thiệt hại cho gia đình những anh dân thường. Nhà quan đang ở trong hẻm bỗng được "nắn" lại để "nhảy ra" mặt đường, nhà anh dân đen bỗng "chui vào" trong ngõ hẹp. Như thế không ức sao được! Cho nên những vụ kiện tụng um xùm diễn ra và tứ đó mối liện hệ giữa quan và dân ngày càng sa sút trầm trọng.

Hợp cùng nhiều sự việc ngang tai trái mắt khác, khiến người dân và quan chức bỗng trở thành thù địch.

Sự việc xảy ra tại Đồng Cù Lao, xã Bắc Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) vừa xảy ra trong tuần này là một bằng chứng rõ ràng nhất.

Dân bao vây phá nhà cán bộ đốt xe máy trong đêm

Sự viêc này có nhiều tình tiết, tuy nhiên, tóm tắt gọn lại cũng chỉ vì chuyện đất đai, người dân xã này không đồng ý với chính quyền địa phương làm hay không làm khu nghĩa trang mà hàng trăm người dân thôn Trung Sơn cùng một số thôn khác thuộc xã Bắc Sơn đã kéo lên xã phản đối rất nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Châu (57 tuổi, ở tại xóm Trung Sơn) nói rằng, người dân nơi đây hầu hết là từ xã Thạch Đồng (TP. Hà Tĩnh) vì không có đất nên mới lên đây khai hoang từ những năm 1965.

Ông kể: "Trước đây, vùng đất này chỉ là một đồi núi hoang vu, hẻo lánh, chúng tôi gây dựng từ hai bàn tay trắng. Nay họ lại bỗng dưng lấy làm dự án, mà toàn bộ số đất đó lại là đất nông nghiệp, đất trồng hoa màu của dân. Giờ lấy đi thì chúng tôi biết dựa vào gì mà làm ăn sinh sống".
 

Thậm chí, nhiều cuộc phản ứng quyết liệt đã gây ra đổ máu. Họ ào lên rồi lấy toàn bộ giấy tờ, sổ sách liên quan xé nát.

Việc phản đối của người dân thôn Trung Sơn đã lên tới đỉnh điểm, chiều 10/4, công an thực hiện lệnh bắt anh Trương Văn Trường (SN 1984), nguyên là trưởng thôn Trung Sơn. Nhiều người dân đã tập trung, không những không cho công an thực thi nhiệm vụ mà người dân còn bắt giữ, đánh đập 4 công an.

Tình thế buộc Công an tỉnh phải điều động hơn 100 nhân viên cảnh sát để giải cứu.

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, vào tối cùng ngày, hàng trăm người dân lại đập phá tài sản tại trụ sở UBND xã Bắc Sơn, đốt xe, dùng đá ném vào nhà một số cán bộ xã như nhà của chủ tịch, bí thư, cán bộ đoàn, công an xã.

Cán bộ sợ quá xin nghỉ việc, không dám ngủ ở nhà

Sau việc này, ngày 10/4 hàng trăm người dân quá khích đã phá nhà, đốt xe của gia đình cán bộ. Nhiều cán bộ xã Bắc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) không dám ngủ ở nhà vào ban đêm, số khác đang muốn nghỉ việc.

Sáng 13/4, ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch xã Bắc Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) cho phóng viên báo chí biết: "Ba ngày nay, tinh thần của cán bộ cốt cán xã vẫn đang rất hoang mang, lo lắng. Một số người có ý định xin nghỉ việc. Họ sợ người dân quá khích lại tiếp tục tấn công nên dặn dò người thân không nên đi ra ngoài. Nếu có việc gì cần thì phải có người đi cùng, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Riêng với gia đình tôi thì ngày vẫn ở nhà nhưng khi trời tối thì tôi đưa mọi người tới nhà người thân ở xã dưới để trú ngụ. Thành viên gia đình luôn trong trạng thái bất ổn, hoang mang".

Trưởng công an xã xin thôi việc sau vụ dân phá nhà, đốt xe

Chung tâm trạng với Chủ tịch xã, ông Nguyễn Khắc Sơn, Trưởng công an xã cũng cho biết, đồ đạc của gia đình ông bị người dân đập phá, xe máy bị đốt. Ông kể:

"Tôi nghe nói một số nhà cũng bị người dân đập phá như nhà tôi, nhưng tôi không dám qua. Sau sự việc này, họ hàng, người thân cũng đến an ủi người trong nhà. Hiện gia đình tôi vẫn ở nhà, vào buổi tối thì có thêm anh em qua ở cùng".

Nhà của trưởng CA xã Bắc Sơn bị phá tan tành tối 10-4 vừa qua.
Ảnh: Người dân Bắc Sơn cung cấp.

Ông Sơn cho biết thêm: "Mọi thứ đồ đạc có giá trị thì đã bị hư hỏng nặng, những thứ còn sót lại tôi đã mang đi gửi. Với những người thân tới chơi, xe máy cũng phải gửi ở nhà hàng xóm. Và tinh thần luôn chuẩn bị rút lui nếu có dân tấn công".

Chiếc xe máy của ông Sơn (Trưởng công an xã)
bị người dân xông vào nhà đốt đêm 10/4

Ông Nguyễn Hoài Việt, Trưởng công an huyện Thạch Hà cho rằng có một số đối tượng cầm đầu kích động người dân nên đang "điều tra để xử lý".

Dù thế nào thì sự việc này cũng chứng tỏ vấn đề nhà đất không được dân đồng tình đã làm bùng lên sự phẫn uất của người dân. Còn gì cay đắng hơn khi các quan chức bị người dân đốt nhà, phá xe, luôn phải đề phòng người dân tấn công bất cứ lúc nào.

Nhà của công là nhà của ông


NHÀ ... ÔNG

Các quan tham lại có những kiểu lợi dụng nhà đất của nhà nước làm của riêng mình. Có nhiều "mánh" của các quan tham hè nhau chiếm nhà chiếm đất. Ngay cả khi nghỉ hưu rồi cũng còn "cố đấm ăn xôi" không chịu trả nhà cho nhà nước.

Khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu – Hà Nội,
nhiều quan chức về hưu vẫn chưa chịu trả nhà

Chứng cớ rõ ràng nhất là cách đây vài năm, cả Hà Nội xôn xao bình luận chuyện một quan chức cấp cao HN đã nghỉ hưu, không chịu trả lại ngôi biệt thự tọa lạc ở một con phố cổ, với lý do không có nhà ở. Không biết ngôi biệt thự cổ đó giờ được giải quyết ra sao. Thì nay, vụ việc nhà công vụ lại nổi sóng. Nói một cách nôm na là theo đúng luật thì ở nước nào cũng vậy, khi anh làm lớn, được chính phủ cấp nhà cho ở, nhưng khi anh về hưu thì phải trả lại nhà cho nhà nước. Cái luật quá rõ ràng như vậy song có nhiều quan viện hết lý do này lý do khác, viện hết thông tư này đến quy định kia để "ở chày ở cối" lại căn nhà không phải của mình.

Thậm chí có vị từng là Thứ trưởng hẳn hoi, còn hỏi một câu hỏi có phần… lẩm cẩm trên cả sự lẩm cẩm rằng: Trả nhà rồi, mình biết ở đâu? Khiến cho một quan chức hưu trí khác, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ trong trả lời phỏng vấn báo Tiền phong (ngày 24/3) phải đặt câu hỏi: Trả lời như vậy khó chấp nhận được. Bảo trả nhà không biết ở đâu. Vậy trước kia anh ở đâu? Trước khi được phân nhà công vụ, chả nhẽ anh ở ngoài đường sao?

Nhiều ông về hưu, không còn ở nhà công vụ nữa vì đã chuyển về quê hoặc đi nơi khác sinh sống. Nhưng nhà được để lại cho con cháu toàn quyền sử dụng như trường hợp của ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, giữ căn nhà số 503 - B1 Hoàng Cầu cho con trai; ông Hồ Xuân Hùng, nguyên cán bộ cao cấp của văn phòng Chính phủ có căn nhà số 302 - B2 cũng giao cho con ở...

Chỉ có vài người trả lại nhà trong số 80 căn

Lạ một điều, các ông ấy đều từng là quan chức, chắc chắn phải có trình độ nhận thức, am hiểu những quy định, tính chất và đặc thù nhà công vụ, mà lại không nhìn rõ được sự khác biệt hoàn toàn giữa nhà công vụ và nhà sở hữu.

Chính vì cái công - tư tù mù không minh bạch từ trong nhận thức, hay bởi cái cơ chế bao cấp khiến cho người ta có tâm lý nghiễm nhiên biến nó thành nhà riêng, nhà tư của mình và chây ỳ không muốn trả lại? Người cho con cái ở, người khóa cửa để đấy, người hưu trí rồi vẫn ở như nhà riêng. Thậm chí có trường hợp người đã chết, vợ con "thừa kế" chỗ ở. Trong số 80 căn nhà công vụ khu Hoàng Cầu chỉ có 2-3 người đã trả lại nhà.

Liêm sỉ, vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội đang dần mất đi

Sự chây ỳ hay thắc mắc của các quan chức đã nghỉ hưu không muốn trả lại nhà công vụ, gây nên cái nhìn không đồng tình, của ngay những quan chức đồng sự, hoặc những đại biểu quốc hội.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường nói thẳng: Cán bộ về hưu vẫn giữ nhà công vụ là trái luật, nếu không thu hồi được có thể dùng đến biện pháp cưỡng chế. Vì chúng ta có thể cưỡng chế đối với người dân, không có lý do gì lại không cưỡng chế với những cán bộ về hưu cố tình làm trái luật. Không nên vì nể hay vì một mối quan hệ nào đó mà phải quyết tâm làm (ĐSPL, ngày 27/3).

Còn Gs Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và NĐ của QH): Nhà công vụ không phải "lộc" để chia cho con cháu. Có thể nói đây là hành vi chiếm dụng tài sản nhà nước.

Trong khi ĐBQH Dương Trung Quốc lưu ý: Đang có sự lạm dụng trong việc quản lý công sản của nhà nước, cả trong chính sách lẫn thực thi và thiếu gương mẫu của người lãnh đạo. Trước đây cha ông ta rất quan tâm tới liêm sỉ, sợ nhất là vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội. Nhưng giờ điều đó đang dần mất đi, ít được quan tâm hơn, đặc biệt với tầng lớp quan chức (Tiền Phong, 21/3)

Liệu những tiếng nói trên có đủ để thay đổi nhận thức các vị quan chức hưu trí đang ở nhà công vụ? Con số này đã tới 200 nhà.

Chẳng lẽ, câu khẩu hiệu  "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" cần được mở ngoặc để thêm cụm từ: Trừ một số quan tham?

Đến chuyện "đường cong mềm mại" của Hà Nội rối như mớ bòng bong

Dẫn chứng những sự việc trên đây để bạn đọc thấy được cái "ung nhọt" biến nhà đất của nhà nước thành nhà mình đã có "truyền thống" từ lâu. Nó còn lan rộng đến cả những con đường quy hoạch, ban đầu vẽ vời rất đẹp không kém phần "hoành tráng" và đã được chính phủ phê duyệt đàng hoàng.

Bản đồ quy hoạch ban đầu đã được chính phủ phê duyệt

Nhưng đến khi thực hiện thì "bỗng dưng" nó cong vòng như cái ghi đông xe đạp khiến người dân và nhiều quan chức cũng ngẩn ngơ. Đó chính là tình trạng hiện nay tại con đường Trường Chinh giữa lòng thủ đô Hà Nội mà người dân nói "đó là đường của ông". Chắc chẳng cần phải giải thích rõ ra là con đường đang thẳng bị bẻ cong để nhà của các quan to không bị giải tỏa, cứ ấm ổ nằm yên vị, còn nhà của mấy anh dân đáng lẽ không bị phá dỡ lại bị… phá tùm lum! Đó là dư luận của người dân không chỉ ở thành phố thủ đô mà đang lan rộng ra cả nước.

Nói đến chi tiết về sự bẻ cong con đường này, quả thật quá rối rắm. Đến ngay người ở VN cũng lùng bùng cái lỗ tai. Hết ngã tư này đến ngã tư khác, hết văn bản này đến văn bản kia, người dân ú ớ như lạc vào ma trận. Quan Thanh tra nói chưa nhận được đơn khiếu kiện gì của ai. Thế nhưng, khi tiếp xúc với những người dân sống tại đường Trường Chinh, thuộc tổ 40 phường Khương Thượng, quận Đống Đa thì họ một mực khẳng định, trong suốt thời gian qua, họ đã gửi đi rất nhiều đơn thư, trong đó có gửi cho cả Thanh tra Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ, vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao dân đã gửi đơn mà Thanh tra Chính phủ lại không nhận được?

Ông Nguyễn Tâm Trinh – nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Rada – Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết: "Chúng tôi rất bức xúc về đường cong vô lý này. Bức xúc hơn nữa khi những người có thẩm quyền lại dám phát ngôn đó chỉ là một đường cong mềm mại. Cũng chính vì sự bức xúc ấy, từ tháng 3/2011 đến tháng 3 năm 2014, chúng tôi đã làm đơn gửi đi khắp nơi, gửi cho không thiếu một cơ quan liên quan nào, thậm chí gửi cho cả Chủ tịch nước, Tổng bí thư, các Phó thủ tướng, Chủ tịch UBND, HĐND thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và các sở, các ngành, các quận liên quan…".

Những chuyện ông nói gà bà nói vịt quả là đau đầu. Vậy xin tóm tắt cho dễ hiểu bằng vài sự kiện rõ ràng nhất.

Từ quyết định đầu tiên đến khi thực hiện

Theo Quyết định 108 được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 20/6/1998, quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020, dự trù hướng của tuyến đường Trường Chinh là chạy thẳng dài khoảng 2,2km, có mặt cắt ngang quy hoạch rộng 53,5m.

Tuy nhiên, khi thực hiện thì con đường Trường Chinh bị uốn cong khoảng 800 mét khi qua khu đất của Quân chủng Phòng không Không quân, đoạn từ hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ. Rõ ràng con đường bị uốn cong là đề tránh những ngôi nhà của tướng tá cao cấp của Quân đội mà cụ thể là đơn vị Phòng không Không quân.

Ông Nghiêm Việt Anh nhà ở ngay gần đường Trường Chinh cho biết: "Tránh một cái đọan là khoảng mấy trăm mét có các biệt thự của các ông tướng trong đó có Nguyễn Đức Phát, Phó tổng tham mưu, rồi có Trung tướng Phạm Tuân, có đại khái là năm ông tướng đấy. 

Thật ra thì cũng không phải là cái nhà của các ông ấy bỏ tiền ra xây từ ngày xưa mà thực tế đấy là những nhà công vụ, công lao do quân đội xây bằng cái tiền của dân, tiền của quốc phòng và sức của bộ đội, sức lính thôi." "Thành thử ra người ta vì cái quyền cao chức trọng, áp lực của bộ quốc phòng, áp lực đến Thành phố Hà Nội, chắc không phải tự nhiên thành phố thỏa thuận từ đường thẳng xuống đường cong thế đâu mà chắc lợi ích gì đấy đã thỏa thuận phía trong".

Ông Nguyễn Tâm Trinh - nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PKKQ (ở tại số 10 ngõ 150 Trường Chinh) xác nhận: "Có những nhà quan chức được xây cao hơn 10 tầng để cho thuê làm văn phòng, bệnh viện".

Tác giả "đường cong mềm mại"

Để trả lời dư luận cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội đang hết sức phẫn nộ với việc đường Trường Chinh đang thẳng bỗng dưng bị "bẻ cong" một cách khó hiểu, chiều 8-4 vừa qua, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Dương Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã giải trình những vấn đề liên quan đến đường Trường Chinh đang thẳng thành cong. Ông viện dẫn rất nhiều lý do, khi trả lời báo chí ông Tuấn bào chữa rằng: thực chất con đường này có cong, tuy nhiên, đó chỉ là một đường cong mềm mại!

Đường Trường Chinh bị bẻ cong hiện nay

Tức khắc câu trả lời của ông Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã bị phản đối quyết liệt, ngay cả Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng: " không thể nói là đường Trường Chinh cong mềm mại hay cong linh hoạt". 

 Đường cong mềm mại của Ngọc Trinh trong làng showbiz Việt.
Ông Dương Đức Tuấn Phó giám đốc Sở Quy Hoạch Hà Nội,
tác giả "đường cong mềm mại"

Và một anh phóng viên trẻ ở Sài Gòn ngồi ở quán cà phê vỉa hè tán dóc: "Trong xây dựng làm gì có kiểu "đường cong mềm mại"? Ông Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nên làm nghề viết báo, nhất là những chuyên mục về các em showbiz Việt. Các ông nhìn bản đồ xem đường cong này có giống y chang đường cong mềm mại của Ngọc Trinh không"?

Chính quyền Hà Nội phải có trách nhiệm

Người dân dân tổ 40 nhấn mạnh sẽ khiếu kiện đến cùng, Hà Nội phải có trách nhiệm với vấn đề này". Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Đức Lượng khẳng định nếu Thủ tướng CP giao, cơ quan này sẽ vào cuộc làm rõ thông tin nghi án đường Trường Chinh bị bẻ cong.

 Tác phẩm dự thi thang biếm họa Đường Cong Mềm Mại

Trong khi đó sáng 15-4, bên lề buổi họp Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội – nói với báo chí "Tôi muốn khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch đường Trường Chinh không có một dấu hiệu tiêu cực nào. Việc này xuất phát từ nhu cầu chính đáng, nó giảm được chi phí, bớt ảnh hưởng cuộc sống người dân…"

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết quan điểm: "Muốn biết có lợi ích nhóm hay không thì phải điều tra thêm. Nhưng rõ ràng sự bẻ cong này đã là điều chỉnh rồi. Mục tiêu của điều chỉnh là cái gì thì cần phải làm rõ chứ không thể nói là không hay có lợi ích gì cả. Dứt khoát ở đây là có sự điều chỉnh. Điều chỉnh vì mục tiêu gì? Mà đất an ninh quốc phòng thì phải xem xét đây là đất nhà ở công vụ hay đất gì"?

Chúng ta hãy chờ xem UBND TP Hà Nội hoặc Tổng Thanh Tra "xem xét" việc này đi tới đâu và đường cong mềm mại có được trả lại sự thẳng tắp của nó không? Câu chuyện đường Trường Chinh còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều cuộc "đấu trí" và "đấu lý" trái ngược không kém phần hấp dẫn, chưa biết bao giờ mới đến hồi kết. Bạn vui lòng chờ nhé./.


Văn Quang

No comments:

Post a Comment