*** TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ *** CÔNG KHAI THẢO LUẬN, ÂM THẦM HÀNH ĐỘNG *** Đã đến lúc tòan dân Việt hãy muôn lòng như một quyết chí đấu tranh cho QUYỀN DẠ DÀY, QUYỀN LÀM NGƯỜI, QUYỀN TỰ QUYẾT bằng cách ngay lúc này phải GIẢI THỂ TẬP ĐÒAN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BUÔN DÂN BÁN NƯỚC!!!

2011/10/01

Phó thường dân (13): Cái nhà là nhà của ta …

Phó thường dân (13): Cái nhà là nhà của ta …

 

Bây giờ là sắp vào mùa thu thời tiết vùng Tây bắc Hoa-kỳ đã cục cựa thay đổi. Buổi sáng bắt đầu có sương mù và những ngày mưa tới thường kỳ hơn. Mái nhà lợp gỗ tuyết tùng (cedar shake), trông thì đẹp mà hổng có bền, của phó thường dân đã có dấu hiệu mục và cong chênh với những đường nứt dù chưa đến ngày quá đát (mới 15 năm). Hãng bảo hiểm nhà đi kiểm chứng đã gởi giấy cảnh báo phải thay mái thì họ mới tiếp tục nhận bảo hiểm.

Cái nhà là tổ ấm. Chính thị con nai vàng hổng trật đâu được. Ở vùng Tây bắc Hoa-kỳ tương đối lạnh và mưa khá nhiều này nếu nhà dột hoặc trống hở thì có mà chết cóng. Thế nên phó thường dân tui phải kêu thợ lợp mái lại, đúng là hao tại thiệt nhưng mà cho khỏi hao tâm.

Ai đã có một căn nhà thì biết, đủ thứ mọi chuyện phải lo, chăm chút từng chuyện một. Từ ngoài cổng cho đến sau vườn quanh năm suốt tháng có chuyện để làm. Cắt cỏ, tỉa cây, dọn vườn hàng tuần thì cũng mất tiêu gần hết hai ngày cuối tuần. Rồi thì sửa ống dẫn nước, nhà cầu, nhà bếp, lò sưởi, máy giặt, máy sấy, máy cắt cỏ, v.v… Túi bụi hổng rảnh rỗi chút nào.

Than thở dzậy thôi chứ nhà của ta thì ta là vua trong nhà. Muốn làm gì cũng được. Hổng ai được quyền nhóm ngó, quấy nhiễu. Ở bên này căn nhà là tòa lâu đài riêng của người chủ. Bất khả xâm phạm.

Gần như vậy. Suốt hơn 30 năm ở vài nơi khác nhau trên đất Hoa-kỳ này riêng cá nhân phó thường dân tôi chưa bị quấy rầy bởi một ai, từ hàng xóm cho đến chính quyền. Mạnh ai nấy ở, mạnh ai nấy làm, miễn là không phiền nhiễu đến người khác. Đôi lúc cũng có những người đi giảng đạo gõ cửa xin phép nói chuyện và tặng thánh kinh nhưng nếu muốn nghe hoặc nhận thì cầm lấy còn không thì lắc đầu từ chối. Cả hai bên dzui dzẻ cười chào là xong chiện. Nhà nào kín cổng, cao tường dán luôn bảng không tiếp người bán hàng tận nhà (door-to-door salesperson) hoặc người truyền đạo thì xong ngay, khỏi mắc công bị gõ cửa.

Ngay cả cảnh sát thi hành công vụ cũng chỉ được đứng trước cổng (nếu khoá cổng) hoặc cửa nhà hỏi chuyện chứ không được vào trong nhà nếu không có trát toà hoặc không được chủ mời. Có đâu như chuyện tổ trưởng dân phố, công an khu vực tự tiện xồng xộc vào nhà như nơi công cộng.

Nhớ lại mấy năm sống dưới chế độ CS sau 1975 trước khi liều mình vượt biển, buổi sáng người bán hàng rong chưa rao hàng thì đã nghe tiếng loa phường điếc con ráy đánh thức dậy, bất kể người lao động ban đêm hoặc người hay thức khuya cần vài giờ an giấc. Rồi thì buổi chiều đến đang ăn tối lại bị nghe thông tin, tuyên huấn, nghị quyết đến sình bụng. Tuần nào cũng bị kêu đi họp tổ dân phố, cả đám ngồi chồm hổm nghe cán bộ lải nhải hổng thua gì cái loa phường.

Còn bây giờ đã hơn 36 năm cái XHCN lại thòng thêm cái đuôi "định hướng kinh tế thị trường" cũng chẳng thay đổi gì. Loa phường vẫn ra rả, nhai nhải hết văn bản, thông báo, rồi nghị quyết của phường, xã, huyện, tỉnh, thành phố, nhà nước đúng là rác tai. Chưa hết các tổ trưởng dân phố và công an khu vực thì "rảnh" đến "thăm" bất kể ngày đêm viện cớ khám hộ khẩu, phổ biến công văn v.v… Lại còn bày trò nhân viên công ty kiểm tra công tơ điện, nước, v.v…

Cái nhà đâu còn là của ta khi có kẻ tự tiện vào bất kể gia chủ muốn hay không (cũng không được)[1]. Vì họ chỉ cần nhân danh cái tập đoàn tội phạm (đảng và nhà nước) với cơ bắp (an ninh, cảnh sát) là đủ để cưỡng chế dân lành. Rồi họ lại áp đặt các nghị định, nghị quyết, thông cáo để bắt bớ, giam cầm vô cớ và xét xử, kết án trái phép, vi phạm mọi quyền hiến định của người dân.

Phó thường dân chỉ được nghe tường thuật lại các cuộc xét xử ở toà án nhân dân. Nghe mà hãi hùng. Nhưng tui lại có cơ hội tham dự các phiên toà xử ở Hoa-kỳ này. Tui được thấy một phiên toà xét xử bởi bồi thẩm đoàn (trial by jury) mà họ theo tiến trình rất là nghiêm túc và chuẩn mực.

Hệ thống luật pháp dưới chế độ dân chủ ở Hoa-kỳ tôn trọng và thiên về việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn, gồm 6 hoặc 12 công dân đồng bào (fellow citizens), cho đa số các vụ hình sự. Đây không phải là hội đồng xét xử chọn lựa bởi chính quyền (công tố viên) theo kiểu toà án nhân dân. Danh sách sơ khởi bồi thẩm đoàn được bốc thăm (random selection) ra từ danh bạ công dân đi bầu trong quận hạt. Cả hai phía luật sư bị cáo và công tố viên chỉ được quyền lựa chọn bồi thẩm đoàn chính thức từ danh sách này sau khi đã phỏng vấn và chất vấn. Tính không thiên vị của bồi thẩm đoàn được bảo toàn qua hình thức tuyển chọn này.

Trong các phiên đại hình thì bồi thẩm đoàn được cô lập không tiếp xúc với bên ngoài để tránh bị ảnh hưởng các ý kiến của báo chí và người ngoài. Phán quyết của bồi thẩm đoàn (jury verdict) phải hoàn toàn chỉ dựa trên cáo trạng, lời biện hộ, bằng chứng, lời chứng (testimonies), giải thích của nhân chứng chuyên gia (expert witness), các chất vấn (cross-examination) không bị áp lực từ cá nhân hoặc thế lực nào. Những ai cố tình ảnh hưởng, lung lạc, đe dọa bồi thẩm đoàn sẽ bị kết tội can thiệp bồi thẩm (jury tampering). Muốn có phán quyết trong các vụ hình sự thì phải đa số tuyệt đối (6/6 hoặc 12/12) để đảm bảo là toàn thể đồng tình kết tội một người.

Cũng xin nhắc là trong bổn phận và trách nhiệm của mọi công dân Hoa-kỳ thì hai bổn phận chính là đi bầu và tham gia bồi thẩm đoàn (jury) nếu được gọi. Việc tham gia bồi thẩm đoàn là điều bắt buộc khi được gọi (bốc thăm) và chỉ được miễn trừ nếu có lý do chính đáng.

Trở lại chuyện cái nhà của ta. Cái nhà riêng thì ai cũng chăm chút cho nó. Nhưng cái nhà chung thì sao? Cái nhà tổ tiên của vua Hùng để lại giờ như thế nào?

Theo bài Cơ chế phá và xây[2] thì có lẽ cái cơ chế của nhà nước XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN thì phá là chính vì "cái cơ chế ấy phá phách thì rất nhanh".

Về văn hóa, cơ chế ấy với khẩu hiệu "bài trừ tàn dư phong kiến, thực dân" đã phá đình chùa, đốt sách, hạn chế thờ cúng tổ tiên (1). Sau đó, hô hào xây dựng "nền văn hóa mới" không rõ hình hài. Đất nước đã 36 năm thống nhất nhưng chưa có lấy một công trình văn hóa xứng với rất nhiều công trình để lại từ thời "thực dân pháp đô hộ".

Những tàn phá gốc rễ xã hội dẫn tới rối loạn trầm trọng ở mọi lĩnh vực: giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, văn học nghệ thuật, quốc phòng, an ninh, chính trị, tư tưởng… Cái cơ chế tàn phá rất nhanh nhiều giá trị truyền thống, lại bế tắc trong xây dựng các giá trị mới, thì không có cơ sở tồn tại. Thực tiễn không tìm thấy lý do tồn tại thì tranh cãi lý thuyết chẳng còn ích gì.

Ví dụ cụ thể của cơ chế phá được dẫn ở chú thích trong cùng bài:

(1) Hiện tượng đáng đau tủi gần đây nhất là hầu hết lăng mộ thời Trần ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh) đã được chính quyền Nhà nước tùy tiện chia cho người dân để lấy đất làm chỗ ở (vì những chỗ béo bở thì các quan đã chia nhau hết rồi), và đương nhiên ai được chia thì việc đầu tiên là phá hủy lăng mộ các vua Trần để san lấp mặt bằng rồi sau đó xây dựng nhà cửa lên trên, thế là cả một cụm di tích vô giá bằng đá gồm 7 ngôi mộ các vua Trần giữa một vùng đồi rất đẹp bị san bằng. Nhưng không thể trách người dân, vì "dân ngu khu đen" bị dồn đến chỗ mất đất, mất nhà thì đâu có tội. Dầu là di tích lịch sử đi nữa họ cũng phải phá đi để kiếm chỗ cho con cháu có cái mà chui tạm chứ. Vậy thì trách ai đây nếu không là một cơ chế "óc rỗng" từ dưới lên trên, không cần biết đến lịch sử, không thèm hiểu về văn hóa, ấy trăm tội cứ đổ vào đầu cái thằng cơ chế là khỏe nhất – Chú thích của BVN.

Tây Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn là nóc của căn nhà Việt Nam. Thế nhưng nó đã bắt đầu rò rỉ, dột nát vì các kế hoạch và chính sách thiển cận trong tư lợi. Vấn đề nổi cộm bức xúc nhất mà các nhân sĩ và dân chúng quan tâm từ mấy năm vừa qua về khai thác bô xít vùng Tây Nguyên thì đã chóng thấy nhãn tiền. Tàn phá môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong vùng ngay từ bây giờ và cho đến cả trăm, ngàn năm sau. Các cư dân trong vùng đã phản ảnh như sau:

Ông Nguyễn Quang Minh, ở khu 6A, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, nói: "Người dân chúng tôi thấy vụ ô nhiễm này rất nghiêm trọng, bà con đang rất lo lắng, nhất là ô nhiễm môi trường về lâu dài. Hiện Nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng hồ chứa bùn đỏ mới chỉ làm được một phần nhỏ thì nguy hại không biết còn đến mức độ nào nữa".

Anh Vũ Ngọc Long, ở khu 6, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, nói: "Nhà tôi nằm cách Nhà máy 1km nhưng nói chuyện với nhau thì phải hét vào tai mới nghe được. Còn ở khu vực gần đó, bà con nói chuyện chẳng nghe được gì luôn".[3]

Thế nên bọ Lập đã có lời ai điếu trong Lời cuối cho Bauxite[4]:

Làm  Bauxite Tây Nguyên chẳng được cái gì, thiệt hại về kinh tế, ô nhiễm về môi trường, nguy hiểm về quân sự, đến đứa con nít cũng biết. Vậy người ta có đóng cửa Bauxite Tây Nguyên không? Không, không bao giờ, không đời nào. Cũng như Vinashin, người ta sẽ chèo chống đến cùng giữ cho được Bauxite Tây Nguyên. Vì sao ư, quá dễ để có câu trả lời. Nhưng như một ông quan đã than thở với mình: nói ra dễ bị tù tội lắm em ạ, ai dại. Mình cũng chả dại, vì thế mình mới viết lời cuối cho Bauxite, coi như ai điếu cho cái thời mình đang sống vậy.

Còn tuyến đầu của tổ quốc thì đã bị tằm ăn rỗi, hết chuyện Hài bà Trưng đi chầu Mã Viện ở Đông Hưng, Trung Quốc năm trước giờ lại đến việc treo đèn lồng và đổi ngày kỷ niệm thành lập tỉnh Lào Cai trong Âm mưu Hán hóa[5]. Rồi biển đảo bỏ trống cho "tàu lạ" tung hoành để ngư dân bị săn đuổi trong khi đánh cá ở ngư trường cố hữu bao năm nay[6].

Thế thì có ai còn nhớ rằng:

Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà

Cõi đời là đời của ta
Nuôi dưỡng công lao mẹ cha
Lớn khôn để gìn giữ nước
Thay nhau xây đắp sơn hà

Đó là bài hát sinh hoạt học đường, hướng đạo nhắc nhở thanh thiếu niên trẻ nhớ công ơn tổ tiên, ông cha xây nhà dựng nước mà bây giờ phó thường dân vẫn còn nhớ tới. Không biết qua bao năm tuyên truyền nhồi sọ với ông Mác-Lê cũng như câu đầu môi "nhờ ơn Bác và Đảng" thì con dân nước Việt có còn nhớ đến "công khó ông cha lập ra" hay chỉ là "Trung với Đảng" và "còn Đảng còn mình" để rồi nước mất, nhà tan.

© 2011 Vietsoul:21

[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  - (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ - man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két …]

No comments:

Post a Comment