*** TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ *** CÔNG KHAI THẢO LUẬN, ÂM THẦM HÀNH ĐỘNG *** Đã đến lúc tòan dân Việt hãy muôn lòng như một quyết chí đấu tranh cho QUYỀN DẠ DÀY, QUYỀN LÀM NGƯỜI, QUYỀN TỰ QUYẾT bằng cách ngay lúc này phải GIẢI THỂ TẬP ĐÒAN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BUÔN DÂN BÁN NƯỚC!!!

2013/03/31

Cái « Miệng ... Trên »


Tiểu Tử

Cái miệng có hai chức năng chánh : ăn và nói . Xưa nay ít có ai để ý đến những chức năng phụ của cái miệng – tiếng là phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng – như : ngáp , ợ , ho , khạc , thở khi nào bị nghẹt mũi ... Có lẽ tại vì nó ... hạ cấp quá nên bị coi thường ! Và cũng tại vì có sự coi thường đó mà người ta chỉ chú trọng dạy trẻ con học ăn học nói thôi . Thành ra , lớn lên , phần đông ngáp ơi ới không che miệng , ợ ồng ộc nghe chỏi lỗ tai , ho thẳng vào mặt người đối diện , còn khạc nhổ thì tùm lum bất cứ chỗ nào ... Trong chuyện phiếm này , tôi cũng theo « truyền thống" để chỉ viết về hai chức năng « ăn và nói » của cái miệng .

Ăn ... Từ hồi còn nằm trong bụng Mẹ , con người đã biết ăn ( Ông Trời sanh ra như vậy ! ) . Mới lọt lòng , không ai dạy , kề vú vào miệng là đã biết ... đớp ( Về sau , khi đã thành nhơn , có đòi đớp như hồi bê bê là một ... cái gì khác chớ không phải là ăn ! ) . Thành ra « ăn » là một bản năng . Hễ đói là tự nhiên phải kiếm cái gì ăn , chưa biết rằng không ăn lần hồi rồi sẽ chết ( Ăn ... hối lộ không nằm trong « diện » tự nhiên trời sanh này ! ) . Khái niệm « chết vì không có gì ăn hay có mà ăn không được » chỉ đến với con người khi con người có đủ trí khôn . Khỗ nỗi , khi có đủ trí khôn , con người lại đòi « ăn ngon » , biết chê biết khen , biết chế biến món này món nọ để ăn cho « khoái khẩu » . Cái « ăn » , vì vậy , đã chiếm ... đỉnh cao của trí tuệ loài người , đến nỗi có câu « dĩ thực vi tiên » ( ăn trước đã ! ) và ở Việt Nam miền nào cũng quảng cáo rầm rộ « món ăn đặc sản » để làm ... chảy nước miếng du khách ( Ở Hà Nội bây giờ « chảy nước miếng hay chảy nước dãi » được gọi là « toát mồ hôi lưỡi » ! Từ ngữ cách mạng vốn ... trừu tượng ! ) . Trên thế giới , ngành du lịch xứ nào cũng giới thiệu thật nhiều về « cái ăn » ngay sau khi cho xem phong cảnh hùng vĩ hữu tình . Để thấy cái miệng tuy nhỏ xíu như vậy mà đã ... đẻ ra chữ « ăn » thật to tổ chảng !

Trong từ ngữ thông thường , chữ « ăn » lúc nào cũng thấy như người lãnh đạo , nghĩa là đứng trên đứng trước nhiều chữ diễn tả một hành động một sự kiện – không biết để làm gì nhưng vẫn phải ... đứng trên đứng trước ! – Ví dụ như « ăn quịt , ăn gian , ăn trộm , ăn cướp » ... Tiếng « ăn » ... ăn nhậu gì với những chuyện « quịt , gian , trộm , cướp » , vậy mà phải có lãnh đạo « ăn » vào đó nghe nó mới ... xuôi lỗ tai ! Rồi thì ... ăn tùm lum , lúc nào ở đâu cũng thấy ăn : ăn giỗ , ăn cưới ( Hồi xưa còn nói « ăn đám ma » nữa ! ) ăn khánh thành , ăn lên lon , ăn Tết , ăn đầy tháng , ăn thôi nôi , ăn ... hối lộ ... Chỉ có « ăn » thôi , vậy mà cái miệng sao mà « lắm chuyện » !

Bây giờ , xin nói đến « nói » .

Con người nếu sống một mình chắc không cần phải biết nói ! Thật vậy , biết nói để nói với ai ? Rồi , bởi vì con người cần sống với con người nên mới phải « nói » để hiểu nhau . Mới đầu nói bằng ... tay chân ( bây giờ gọi là « ra dấu » ) Lần hồi , chắc ra dấu ... mỏi tay nên mới bày đặt tiếng nói ( Dầu sao , mỏi miệng vẫn ... dễ chịu hơn mỏi tay ; cái trí khôn của con người bắt đầu ... ló dạng ! ) Cái miệng , ngoài chức năng « ăn » của Trời cho , bây giờ có thêm chức năng « nói » do con người đẻ ra vì muốn người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì .

Con người mới sanh ra chưa biết nói , chỉ biết khóc ! Các nhà văn gọi đó là « tiếng khóc chào đời » . Hay quá ! Thật vậy , nếu không có tiếng khóc thì làm gì có tiếng nói ? Rồi từ chỗ « oa oa » đó ọ ẹ riết rồi cũng ra chữ ra câu . Người ta dạy trẻ con học nói cho đúng cách , học nói cho có lễ độ , học nói cho thanh tao . Có một điều lạ là những tiếng ... chửi thề chẳng thấy ai dạy mà sao ai ai cũng biết và biết sử dụng đúng nơi đúng lúc một cách « tài tình » ! Ngoài những từ ngữ thông dụng – không kể chửi thề , dĩ nhiên – Nhà Nước Việt Nam còn dạy trẻ con hô khẩu hiệu , nói những lời « dao to búa lớn » theo ... phong cách xã hội chủ nghĩa , nghĩa là nói để cho có nói chớ không phải nói để cho người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì . Cái « nói » – một chức năng của cái miệng – cũng bị làm ... cách mạng ! Than ôi !

Nói về « nói » , con người nói thôi ... đủ thứ . Nào là « nói thánh nói tướng » , « nói láo nói phét » , « nói hành nói tỏi » , « nói trăng nói cuội » ... Rồi « nói phang ngang bửa củi » , « nói dộng trong họng người ta » , « nói trên trời dưới đất » , « nói mà cái miệng không kịp kéo da non » , « nói như con két » ... Cái miệng nói nhiều hơn ăn , bởi vì ăn no rồi là không ăn được nữa chớ còn nói thì có bao giờ bị ... no nói đâu để mà phải ngừng ?

Tóm lại , cái miệng là để ăn và để nói . Vậy mà chính cái miệng nó « hành » con người . Ông bà mình hay nói :» Bịnh từ miệng mà vào , Vạ từ miệng mà ra » . Đúng quá ! Tại vì mình ăn mới đem mầm bịnh vào người và tại vì mình nói mới đụng chạm sanh chuyện . Biết như vậy nhưng làm sao con người sống mà không ăn không nói ?
Ở Việt Nam , Nhà Nước ta đã thấu triệt cái « chân lý » vừa kể cho nên đã ... phân loại cái miệng : miệng của nhân dân và miệng của Nhà Nước . Cái miệng của nhân dân là cái miệng « ăn » còn cái miệng của Nhà Nước là cái miệng « nói » . Nhà Nước « quản lý » cái miệng ăn nên chỉ cho ăn vừa phải , đúng tiêu chuẩn , để nhân dân đừng ... bị bịnh ! ( Bệnh từ mồm mà vào , đúng thế đấy ... Ta đã học tập và triển khai cái chân lý ấy từ thời ... không có gì để ăn cơ ! ) . Còn « nói » thì nhân dân không nên nói , bởi vì « nói » là mang vạ vào thân đấy thôi . Để Nhà Nước nói , bởi vì Nhà Nước , đã là đỉnh cao trí tuệ của loài người , biết nói thế nào để không bao giờ phải ... mang vạ vào thân . Và bởi vì cái miệng của Nhà Nước là loại miệng nói không sợ ... mòn , không phải tốn tiền mua và dự trữ đồ phụ tùng thay thế . Cho nên đừng ngạc nhiên sao ở Việt Nam chỉ nghe có Nhà Nước nói và nói không bao giờ ... ngừng ! Ngoài ra , Nhà Nước vì thương dân nên khi thấy dân há miệng định nói là đưa tay bịt miệng ngay kẻo dân mang vạ vào thân , tội nghiệp ! Một cử chỉ ... đẹp như vậy mà thiên hạ cứ ... vo tròn bóp méo !

Nếu « ăn » là để sống thì « nói » là để cảm nhận rằng mình đang sống . Vậy mà người dân Việt Nam chỉ được phép dùng cái miệng để ăn thôi ...

Tiểu Tử

Nghĩa trang quân đội Biên Hòa bị xóa sổ?


 
Thiên Đức 
 
 
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa là một chứng tích lịch sử của quân lực VNCH còn sót lại sau cuộc chiến tranh Việt Nam điều đó không ai có thể tranh cãi. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khu nghĩa trang này được đặc vào trong tình trạng quân đội quản chế hay nói một cách hiện thực là đặt trong tình trạng cầm tù cấm cố biệt ly một cách chính thức không ai được quyền thăm viếng hay săn sóc những phần mộ được chôn cất tại nơi này. 
Gần đây báo đài ở nước ngoài rộ lên tranh luận về số phận nghĩa trang này xuất phát từ quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển đổi sang nghĩa trang dân sự thuộc tỉnh Bình Dương.
 
 
 
      
 Cuộc tranh luận rất đa dạng có thể phân chia ra hai khuynh hướng:
- Một khuynh hướng nghi ngờ và thận trọng vì cho rằng quyết định này ra quá chậm và chưa đủ để nói lên tính chất hòa giải hay xoa dịu vết thương chiến tranh gì cả, cần phải làm thêm nhiều việc khác nữa.
- Một khuynh hướng khác khen ngợi cho đây là dấu hiệu hòa giải hòa hợp dân tộc, có người thậm chí nhảy ra tranh công đã đề nghị với thủ tướng Phan Văn Khải trước đây hai năm, rồi từ đó tâng bốc nâng bi người ký quyết định là khôn ngoan.
 
Riêng người viết bài này, với tư cách cá nhân một cựu lính tham gia cuộc chiến đã sống sót nhờ vào những người đã nằm xuống của cả hai bên, cực lực tố cáo chính quyền Cọng Sản âm mưu xóa bỏ nghĩa trang Biên Hòa trên mặt pháp lý cũng như trên thực tế trong hiện tại và những ngày sắp đến đây qua quyết định 1568/QĐ-TTg ngày 27/ 7/ 007. Để làm sáng tỏ vấn đề người viết xin được trở về quá khứ
 
Trong hào quang chiến thắng đế quốc Mỹ, người lãnh đạo nhà nước đã tự hào, công khai tuyên bố cả đất nước "Tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên XHCN" . Kế hoạch ngủ niên 1976- 1980 đã đề ra trong chiều hướng trên, nhà nước bắt đầu tiến hành cải tạo toàn diện để đưa miền Nam Việt Nam tiến lên và theo kịp miền Bắc XHCN. Đối tượng của công việc có thể phân ra hai loại: khối dân chúng miền Nam và khối quân dân cán chính của chính quyền củ.
 
I/- Khối dân chúng miền Nam: Với chính sách "Không đụng đến cây kim hay sợi chỉ của dân chúng". Đất nước thăng hoa bằng những mảnh quần áo màu sắc nâu hay đen mốc của từng đoàn dân quân cuốc xẻng lên rừng thực hiện phương châm "Với sức người sỏi đá cũng thành cơm". Họ là ai? là tư sản sản mại bản đã tình nguyện dân hiến tài sản cho nhà nước. Họ cũng là thành thần phần tư sản (?)ngoan cố để nhà nước phải huy động quân đội, công an, thanh niên, sinh viên học sinh đến từng nhà thực hiện chính sách cải tạo Công thương nghiệp hầu chuẩn bị cho cả nước tiến lên XHCN với cái nghèo cào bằng.
Miền Nam từng là vựa lúa xuất khẩu gạo trên thế giới, là vựa lúa nuôi cả miền Bắc không những ở thời kỳ 1945 mà cho cả hiện nay. thế mà trong giai đoan này phải chịu cảnh đói thiếu gạo ăn, phải ăn độn bo bo đỏ, hay khoai sắn.
 
 
 
 
II/- Khối dân quân liên quan đến chính quyền củ: Nhà nước đã có đối sách riêng biệt cho người còn sống và người đã nằm xuống trong cuộc chiến như sau:
 
1)- Người sống: Một chính sách khoan hồng được đề ra cho sĩ quan và công chức chế độ củ chuẩn bị lương khô đi học tập từ 3 ngày đến 10 ngày. Thực tế cho thấy câu chữ học tập cải tạo 3 hay 10 ngày đã trở thành 3 năm cho đến 20 năm có lẽ.
Bao nhiêu nước mắt và xương máu của người tù cải tạo đã đổ ra trong giai đoạn này, giờ đây vẫn chưa được kết toán sòng phẳng.
 
2)- Người chết: Trong tinh thần kiên định tiến lên XHCN, người chết liên quan đến chính quyền củ được tiến hành cải tạo tùy theo vị trí an nghĩ của họ.
- Những người chết nằm rải rác khắp mọi miền đất nước đều bị đào mồ cuốc mã và hoàn toàn biến mất để thay thế vào đó là những phần mộ liệt sĩ.
- Những nghĩa trang dân sự, trong đó có những nấm mồ quân nhân công chức chế độ củ cũng không thoát khỏi số phận đào thải. Ví dụ nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị qui hoạch cải đổi mục đích sử dụng cũng là nằm trong tiến trình cải tạo đi lên XHCN vậy.
- Riêng nghĩa trang Biên Hòa là nơi tập trung của 16 nghìn tử sĩ vị quốc vong thân, thực tế đã bị cầm tù cấm cố biệt giam từ năm 1975 cho đến ngày nay, dưới sự quản lý của quân đội, không ai được vào thăm viếng hay nhang khói một cách chính thức.
 
 
 
 
       
Cho đến ngày 27 - 11 - 2007 là thời điểm sau một tuần Việt Nam trải thảm đỏ đón rước tổng thống Bush, đã thực sự chấm dứt lập trường kiên định "Đế quốc Mỹ là kẻ thù số một của nhân dân", ý nghĩa cuộc chiến hoàn toàn sụp đổ, do đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải thu dọn tàn cuộc bằng một công việc bình thường, đó là:
 
Quyết định số: 1568/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 11 năm 2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
Điều 1: Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương.
 
Điều 2: Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương:...
Chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa địa Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4: Bộ Quốc phòng (Quân khu 7) thực hiện việc di chuyển .. hoàn tất trong tháng 7 năm 2007.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ấn ký)
 
 
 
     
Theo thời điểm ký quyết định nêu trên cho thấy bản chất của quyết định này chỉ là một công việc đơn thuần phải làm của một nhà nước trước khi sang trang lịch sử trong giai đoạn mới. Tự thân công việc này không phải là một sự khôn khéo của ông thủ tướng như lời nâng bi của ông Nguyễn Cao Kỳ, mà là một âm mưu xảo trá nhằm xóa sổ nghĩa trang của người bên kia chiến tuyến được che dấu trong bản thân văn kiện sẽ được lần lượt phân tích ở phần dưới.
 
Và sự thành hình quyết định này cũng không phải do công lao của ai cả, không như những kẽ cơ hội đã nhảy ra vỗ ngực xưng tên. Thật vậy nếu Mỹ và Việt Nam không chính thức cải thiện bang giao thì liệu trang sử cuộc chiến đã đóng chưa để cho ra đời quyết đình này?
 
Trước ngày 30/4/75 ông Nguyễn Cao Kỳ từng to mồm hô hào mọi người hãy chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trên vùng trời Tân Sa Châu vào buổi sáng thì buổi chiều đã thấy hình ảnh máy bay ông Kỳ xô xuống biển để bước lên chiến hạm tỵ nạn sớm hơn ai hết, đến giờ phút này người viết vẫn còn ngỡ ngàng với cảm nhận xa xưa khi còn ở tuyến đầu cho đến ngày buông súng.
 
Ông Nguyễn Cao Kỳ có quyền bưng b... hay bợ đ... Nguyễn Tấn Dũng để mưu đồ lợi ích cá nhân nhưng ông không có quyền bán đứng oan hồn tử sĩ tại Nghĩa trang Biên Hòa vì họ là đồng đội từng vào sinh ra tử, họ là những người chết để cho chúng ta sống ngày hôm nay.
 
Với cái nhìn từ chính sách "giữ gìn cây kim... cho đến dâng hiến toàn bộ tài sản" hay chính sách học tập "3 ngày để trở thành những ngày dài thế kỷ" thì quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không ra khỏi thông lệ xảo trá đó.
 
Thật vậy, quyết định số: 1568/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 11 năm 2006 có thể giải thích tường tận một cách không sai như sau:
 
- Trên văn bản quyết định hoàn toàn không sử dụng danh xưng "Nghĩa trang quân đôi Biên Hòa" điều này mặc nhiên đã xóa sổ hoàn toàn hay nói một cách khác là không công nhận đây là một di tích của cuộc chiến.
- Theo tinh thần văn bản nghĩa trang quân đội Biên Hòa sẽ trở thành một nghĩa trang dân sự điều này có ý nghĩa là những biểu tượng hay danh xưng có liên quan đến quân lực VNCH sẽ bị phá hủy như tên họ, cấp bậc, trung nghĩa đài, bệ đài thương tiếc, Cổng Tam Quan, Đền Liệt Sĩ và Nghĩa Dũng Đài sẽ hoàn toàn thay thế bằng những biểu tượng dân sự thích hợp với một nghĩa trang dân sự.
- Với tình hình tham nhũng cũng như lằn ranh quốc cộng chưa chính thức biến mất trong đầu óc những người quản lý nghĩa trang, những thân nhân của những người nằm xuống tại nghĩa trang đó sẽ bị o ép làm khó dễ trên thực tế hay với lý do nhu cầu chôn cất ngày càng tăng bằng một văn bản quy định thời hạn chôn cất nhất định là 30, 50 năm hay vĩnh viễn như đã từng quy định tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, thì những ngôi mộ tử sĩ này sẽ dần dần biến mất, và di tích lịch sử cũng biến mất.
- Điều 1: Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương.
 
Theo đúng tinh thần của điều này, khu đất nghĩa trang này sẽ đưa vào sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế và xã hội như vậy trên thực tế nghĩa trang này sẽ bị đào bới cải tạo quy hoạch di dời để lấy đất phục vụ kinh tế. Chứ duy trì như hiện nay chẳng có giá trị gì để phát triển kinh tế, xã hội cả.
 
 
Như vậy có thể kết luận rằng: dưới chế độ XHCN, những quân nhân chết chôn tại nghĩa trang Biên Hòa tính từ ngày 30 - 4 - 1975 cho đến ngày 01 - 7 - 2007 phải chịu hình phạt 32 năm 2 tháng tù cấm cố biệt giam, sau đó là bị cải tạo mất tích theo tinh thần quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký.
 
Phải chăng đây chính là những hành động mở đầu cho giai đoạn xếp lại quá khứ, hòa hợp hòa giải của chế độ cọng sản chăng?
 
Với tinh thần văn bản này, người viết khẩn khoản chính thức báo động rằng: " Nghĩa trang Biên Hòa đang bị xóa sổ trên giấy tờ cũng như trên thực tế trong những ngày sắp tới"
 
Đây cũng chính là câu trả lời cho ông Võ Văn Kiệt khi đặt vấn đề :
Trước có ông Bill Clinton và mới đây là ông Bush. Nếu đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, dẫu trước đây là kẻ thù của nhau vẫn có thể khép lại quá khứ để hòa bình hữu nghị, để cùng phát triển. Bởi vậy không lý nào người Việt Nam với nhau lại không thể khép lại quá khứ. Đây là vận hội, cơ hội cho sự hòa thuận. Đối với người ngoài còn bỏ qua được không lẽ người Việt Nam với nhau không bỏ qua được hay sao! Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh lên được!"
 
"Xuân đã về! Xuân đã về!" Nhạc...
Nhà nhà vui tươi, đi chạp mả, đầy hương khói chuẩn bị đón rước ông bà về ăn tết, ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNONN) tại Hà Nội đang trải thảm đỏ rước "Ma cô, đĩ điếm, liếm gót ngoại bang" theo tinh thần nghị quyết 36/CP. Song song với những bàn tiệc rượu thịt ề hề, là chúc từ nâng bi nhau, chúc tụng nhau đoàn kết, quên quá khứ, xóa bỏ hận thù, thì ở một vùng đất hoang tàn, nhang lạnh, hàng ngàn oan hồn tử sĩ lại vang vọng tiếng rên xiết:
- Mẹ Việt Nam ơi! chúng con đói và lạnh quá.
- Mắt mẹ mờ lệ: Tết này con chưa về hả con?
- Dạ! xuân này con chưa được về
- Sao vậy con, đã 32 năm hòa hợp hòa giải dân tộc rồi mà
- Tại con là những kẽ hy sinh để cho họ sống nên chưa được về
- Còn gì để nói nữa không con????
- Dạ câu hỏi này, để đảng CSVN trả lời ạ!
 
Với tình hình tham nhũng băng hoại của nhà nước Việt Nam hiện nay, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn còn biến thành nghĩa trang của xương "Trâu Bò". Nghĩa trang quân đội Biên Hòa đang dần dần biến mất là điều không tránh khỏi.
 
Chồng báo mộng: Anh đói và lạnh quá em ơi
Vợ; Anh không về sao anh?
Chồng: Xuân này anh chưa về.
Con đau khổ: Sao vậy cha, đã 32 năm hòa giải hận thù rồi mà ba?
Cha: Con hỏi đảng CSVN sẽ rỏ? 
 
 
Kết luận :
Để tránh khơi sâu thêm vết thương hận thù chiến tranh và bước đầu một trang sử xây dựng hòa bình và hòa nhập, người viết dựa trên tình hình thực tế và nguồn tin của Việt Báo:
Được biết, nghĩa trang này được Công Binh QLVNCH khởi công từ năm 1965 để dành mai táng cho 30 ngàn tử sĩ. Sau các trận Mậu Thân 68 qua đến Mùa Hè 72 rồi các trận đánh giành dân lấn đất kỳ hiệp định Paris, nghĩa trang này đã chôn cất 16 ngàn tử sĩ. Một nửa đã có các tấm ciment và mộ bia. Còn một nửa mới đắp đất. Đó là tính đến ngày 30 tháng 4-1975....
Cho đến nay, các kiến trúc chính thức gồm Cổng Tam Quan, Đền Liệt Sĩ và Nghĩa Dũng Đài vẫn còn y nguyên.
 
Một khi kẽ tử thù trở thành bạn, cuộc chiến Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn do đó không còn vấn đề ai thắng ai mà là tất cả người Việt nam đều thua. Không còn vấn đề vinh hay nhục mà chỉ còn lại vấn đề nước mắt và lương tâm. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa là một chứng tích lịch sử đau tương của dân tộc tại miền Nam còn sót lại. Không ai có quyền nhân danh bất cứ một lý do gì để xóa đi di tích lịch sử n ày. Trên tinh thần đó người viết xin đưa ra những đề nghị như sau:
 
 
 
- Phục hồi tên gọi lịch sử của nó: Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cho dù ở trong phạm vi nhỏ hẹp và nằm trong địa phận quản hạt của một tỉnh nào.
- Công nhận chính thức là một di tích lịch sử chiến tranh của dân tộc còn sót lại sau trận chiến. Đây là một thực tế đã đi vào lòng người dân miền Nam Việt nam.
- Tôn tạo và quy hoạch lại nghĩa trang trong phạm vi nhỏ hẹp lại có khuôn viên bao bọc nhằm bảo vệ chiến tích lịch sử. Không xen lẫn mồ mả dân sự.
- Phần đất nghĩa trang chưa sử dụng tách biệt hẳn khu vực nghĩa trang Biên Hòa tùy nhà nước dùng làm nghĩa trang dân sự hay sử dụng vào mục đích kinh tế xã hội theo quyết định của thủ tướng mà vẫn không mất đi ý nghĩa và kế hoạch hoạt động của nhà nước.
- Không để những phần mộ dân sự nằm xen lẫn vào phần một của tử sĩ có sẵn , vì như thế sẽ làm mất vẻ tôn nghiêm mà còn đánh mất giá trị lịch sử vốn có của nó.
- Và nếu có thể để cho tập thể cựu quân nhân hải ngoại và trong nước chính thức đứng ra xây dựng và tôn tạo lại nghĩa trang nói trên như là một nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa người chết, bắt tay hòa hợp hòa giải dân tộc, sòng phẳng xếp lại quá khứ xây dựng tương lai trên căn bản tình người và bình đẳng với nhau về các mặt quyền lợi công dân, kinh tế, chính trị, xã hội theo hiến pháp và công pháp quốc tế.
- Làm một cuộc lễ chiêu hồn chung cho tất cả tử sĩ của hai bên cuộc chiến sau khi hoàn thành công việc tôn tạo nghĩa trang.
 
Giá trị của của câu nói xếp lại quá khứ, xóa bỏ hận thù phải bắt đầu bằng hành động đối với người đã khuất cả hai bên cho trận chiến chứ không bằng lời dối trá của những con buôn chính trị thời đại. Lịch sử sẽ phán xét công bằng sự việc hôm nay là kết quả của ngày mai vậy.

Chúng tôi kêu gọi nhà nước CSVN cũng như những cá nhân hay đoàn thể quân dân cán chính miền Nam Việt Nam hãy lên tiếng bảo vệ di tích này trước khi quá muộn. Một khi đã biến khu vực này thành khu nghĩa trang dân sự bình thường./.
 
Thiên Đức
Thursday 18 January 2008

2013/03/21

Trình độ Việt Ngữ của BBC và VOA tiếng Việt

Đào Văn Bình


Khoảng hơn 20 năm nay tôi hầu như không bao giờ mở nghe đài VOA hoặc BBC bởi vì nếu là tin tức thế giới thì đã được các hãng thông tấn AP, UPI, Reuters… rồi các hãng truyền hình lớn như CNN, Fox News, các báo như New York Times, Washington Post tranh nhau loan tin sớm nhất. Rồi thì báo chợ, báo biếu Việt ngữ lan tràn ở cộng đồng cho nên chẳng cần nghe BBC hay VOA làm gì. Nhưng mấy lúc gần đây vì cần theo dõi tin tức ở trong nước cũng như những diễn biến dồn dập ở Biển Đông cho nên tôi mới "mò" vào xem các trang Việt ngữ của BBC và VOA bởi vì các hãng này loan tin khá nhanh song nhiều khi cũng "cóp" lại bản tin trong nước.  Nhưng tôi thật kinh hoàng khi phải đọc một thứ Việt ngữ xa lạ, không còn là thứ Việt ngữ mẫu mực mà tôi đã được học, được nghe, rồi viết rồi học hỏi gần như suốt đời. Đó là một thứ Việt ngữ cẩu thả, kém cỏi của những người không biết học tiếng Việt ở đâu. Văn phạm thì sai, chữ dùng thì làm dáng hoặc "đao to búa lớn", câu văn tối nghĩa, què hoặc văn không phải là văn Việt mà là văn dịch  theo kiểu "mot à mot". (*).

Việt Nam đã bước vào Thế Kỷ 21 với một gia tài học thuật, văn chương phong phú, trác tuyệt do bao thế hệ cha ông để lại từ Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Ngô Gia Văn Phái, La Sơn Phu Tử, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều…rồi cận đại có Hoàng Xuân Hãn, Tự Lực Văn Đoàn, Đặng Thái Mai, Ngô Tất Tố, Đào Trinh Nhất, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương.  Về kinh tế, luật học, chính trị học có Vũ Văn Mẫu, Đoàn Thêm, Nguyễn Cao Hách…và bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo lỗi lạc của Miền Nam…mà lại sản sinh ra một thứ Việt ngữ "đương thời" như thế. Thật chua xót!

Càng đọc các trang Việt ngữ của BBC và VOA ngày nay tôi lại càng tiếc thương những khuôn mặt cũ của BBC và VOA -  hoặc đã qua đời hoặc đã về hưu vì tuổi già bóng xế như: VOA với Lê Văn, Nguyễn Sơn, Bùi Bảo Trúc, Phạm Trần v.v.. BBC với Đỗ Văn, Thành Xuân Hồng, các xướng ngôn viên như Xuân Kỳ, Hữu Đại, Hồng Liên, Vĩnh Phúc v.v.. Văn sao chải chuốt, khuôn mẫu, đứng đắn, chừng mực và giọng đọc thu hút người nghe như những xướng ngôn viên thượng thặng của đài truyền hình Mỹ. Tôi cảm phục tài lựa chọn người đọc và biên tập viên Việt ngữ của các vị giám đốc VOA & BBC ngày xưa …có lẽ các vị này cũng đã già nua quá hoặc đã qua đời.

Làm văn hóa mà sai thì di hại đến ngàn đời sau. Viết loại văn "ba trợn " mà đăng trên các báo chợ thì tác hại không bao nhiêu, nhưng nếu nó được đăng trên trang điện tử lớn như BBC hoặc VOA với cả triệu người đọc thì tác hại khôn lường. Loại "tiếng Việt kinh hoàng" này lâu dần sẽ trở thành tiếng Việt chính thống. Và khi đó thì  thì ôi thôi…4000 năm văn hiến: "Quốc Tổ có về cũng khóc thôi"!

            Nói có sách, mách có chứng. Dưới đây tôi sẽ trích dẫn một số tiêu đề hoặc một số đoạn văn để quý vị thấy trình độ Việt ngữ của các biên tập viên người Việt của BBC và VOA như thế nào:

 

1) BBC tiếng Việt ngày 27/1/2013: "Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim." Đây là câu văn quái dị. Danh từ "tiền sử" (Pre-history) có nghĩa là thời kỳ ăn lông ở lỗ. Không ai dùng hai chữ "tiền sử" để nói trong quá khứ đã từng mắc một bệnh gì đó. Câu văn gọn nhẹ là, "Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng bị bệnh tim và đã qua hai lần giải phẫu."

2) VOA tiếng Việt ngày 7/2/2013: "Các phần tử cực đoan đang đe dọa sẽ làm trật đường rầy tiến trình chuyển đổi sang dân chủ của Tunisia." Động từ "derail " nghĩa đen là làm trật bánh, nhưng nghĩa bóng là "làm lệch hướng" hoặc "làm chệch hướng". Do đó câu văn chỉnh sẽ là, " Các phần tử cực đoan đang đe dọa làm lệch tiến trình dân chủ của Tunusia."

3) BBC tiếng Việt ngày 8/2/2013: "Giáo sư Mỹ bị đòi đuổi việc vì chê VN". Đây là câu văn tối nghĩa, giống như một ông Tây, ông Mỹ không rành tiếng Việt mà nói tiếng Việt. Đọc kỹ nội dung thì ông giáo sư này xúc phạm tới người Việt Nam chứ không phải "chê". Chê và xúc phạm- mức độ nghiêm trọng khác nhau. Do đó câu văn chỉnh sẽ là, " Kêu gọi sa thải giáo sư Mỹ đã xúc phạm người Việt Nam."

4) VOA ngày 7/2/2013; "Chuyện làm tình nguyện ở Mỹ". Câu văn không sai nhưng thiếu trình độ. Câu văn khá hơn là, "Chuyện phục vụ thiện nguyện ở Mỹ".

5) BBC ngày 10/2/2013: "Hà Nội cũng có kế hoạch đóng mới một tàu biển đa năng có khả năng chịu sóng lớn để làm tàu bệnh viện.". Chữ "mới" ở đây thừa vì đóng tàu là đóng tàu mới rồi. Không ai đóng tàu cũ cả.

6) VOA tiếng Việt ngày 10/2/2013: "Hơn một tỉ người châu Á trên khắp thế giới đã bước vào năm con Rắn bằng những màn pháo bông, ăn nhậu và đi thăm người thân." Tết Nguyên Đán đối với người Việt Nam ngoài việc đón mừng năm mới còn là cả một truyền thống văn hóa bao trùm lên các lãnh vực gia đình, làng nước, xã hội, tâm linh chứ không phải là chuyện "ăn nhậu" bình thường. Người viết bài này có thể không phải là người Việt Nam hoặc dịch từ một bài viết bằng Anh Ngữ của một ký giả người Anh không am hiểu văn hóa Á Đông. Tiêu đề gọn, chỉnh về ý và lời có thể như sau," Hơn một tỉ người Châu Á khắp thế giới bước vào năm con Rắn bằng những màn đốt pháo bông, tiệc tùng và thăm viếng người thân."

7) VOA tiếng Việt ngày 10/2/2013: "Vùng đông bắc nước Mỹ bắt đầu dọn dẹp sau cơn bão tuyết hung bạo." Hai chữ "hung bạo" dùng cho người. Còn đối với loài động vật hoặc thiên nhiên thì người ta thường dùng các chữ "dữ dội", "ác liệt" v.v…Do đó câu văn chỉnh sẽ là " Vùng Đông Bắc nước Mỹ bắt đầu dọn dẹp sau trận bão tuyết dữ dội."

8) BBC tiếng Việt ngày 16/2/2013: "Xuất hiện ảnh hậu phẫu của Hugo Chavez". Đây là loại tiếng Việt kém mà lại làm dáng. Tại sao không viết cho gọn nhẹ và trong sáng hơn: "Ảnh Ô. Hugo Chavez sau cuộc giải phẫu" hoặc ngắn gọn hơn, "Ô. Hugo Chavez sau cuộc giải phẫu".

9) BBC tiếng Việt ngày 16/2/2013: "Malaysia bắt giữ thượng nghị sỹ Úc". Đọc tiêu đề người ta ng tưởng rằng ông thượng nghị sĩ Úc bị chính quyền Mã Lai bắt vì phạm tội gì đó. Nhưng khi đọc nội dung thì không phải vậy. Ông thượng nghị sĩ này chỉ bị giữ tại phi trường, không cho nhập cảnh vì lý do an ninh. Vậy tiêu đề đúng và phản ảnh nội dung là " Malyasia chặn giữ thượng nghị sĩ Úc tại phi trường."

10) BBC tiếng Việt ngày 17/2/2013: "Bắc Hàn kỷ niệm ngày mất Kim Jong-il". Đáng lý ra phải viết "Bắc Hàn kỷ niệm ngày Kim Jong-il qua đời". Đây là loại tiếng Việt kém cỏi, xem thường người đọc quá đỗi.

11) BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: "Báo TQ phê Mỹ về Bắc Triều Tiên". Hiện nay trong nước và hải ngoại, hai chữ "phê bình". "phê điểm" được tóm gọn thành một chữ là "phê". Thậm chí chích xì ke ma túy khiến ngây ngất cũng gọi là "phê" (effet của tiếng Pháp). Thật là loại tiếng Việt hỗn loạn không thấy có trong bất kỳ cuốn từ điển Việt Ngữ nào.

12) BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: "Phim giá rẻ Trung Quốc gây sốt". Đọc kỹ nội dung bài viết chúng ta thấy đây là một cuốn phim sản xuất không tốn kém chứ không phải giá rẻ, nhưng thu lợi nhiều (thành công) chứ chẳng "gây sốt" gì cả nhưng lại được tác giả viết bừa bằng lối văn " giá rẻ hay rẻ tiền". Câu văn chỉnh hơn là "Trung Quốc: Phim không tốn kém nhưng thành công bất ngờ". Xin tác giả nhớ cho "giá rẻ" và "ít tốn kém" ý nghĩa khác nhau. Nếu không rõ nghĩa thì nhớ tra từ điển.

13) BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: "Phóng viên BBC đình công vì giảm việc làm". Câu văn này bị lỗi về văn phạm. Phải phải thêm chữ "bị" nữa thì câu văn mới hoàn chỉnh. Câu văn chỉnh phải viết " Phóng viên BBC đình công vì bị cắt giảm việc làm" hoặc "Phóng viên BBC đình công vì việc làm bị cắt giảm".

14) BBC tiếng Việt ngày 7/12/2012: "Cấm quan chức Nga 'vi phạm nhân quyền' ". Câu văn này gây hiểu lầm là Nga ngăn cấm các viên chức của mình không được phép vi phạm nhân quyền. Nhưng thực ra đây là biện pháp Hoa Kỳ trừng phạt các giới chức Nga đã vi phạm nhân quyền. Do đó câu văn chỉnh phải là, "Trừng phạt các quan chức Nga vi phạm nhân quyền".

15) VOA tiếng Việt ngày 28/2/2013: "Tàu không gian này sẽ kết nối với một môđun không gian thử nghiệm gọi là Thiên Cung 1." Môdun= Module= Bộ phận rời, bộ phận phụ. Ngoài ra đoạn văn " sẽ kết nối với một môđun không gian thử nghiệm gọi là Thiên Cung 1" rất tối nghĩa, phải dịch là, " sẽ ráp nối với một bộ phận thí nghiệm ngoài không gian gọi là Thiên Cung 1"

16) VOA tiếng Việt ngày 28/2/2013: "Công dân cao niên Mỹ quan ngại về việc cắt giảm ngân sách". Tác giả tiêu đề này dùng chữ khó và cầu kỳ quá. Tại sao không viết một câu văn đơn giản hơn? "Người già ở Mỹ lo sợ việc cắt giảm ngân sách". Đây chỉ là một tin tức bình thường của đời sống mà tác giả lại dùng lối văn "đao to búa lớn" thuộc lãnh vực chính trị của thế giới chẳng hạn như "Thế giới quan ngại về việc gia tăng ngân sách quốc phòng bất thường của Trung Quốc." Điều đó chứng tỏ tác giả bài viết kém hiểu biết về ngôn ngữ.

17) BBC tiếng Việt ngày 18/3/2013: "Nhật Bản sẽ giúp phát hiện ra bất kỳ cú phóng tên lửa nào từ Bắc Hàn." Lời văn đang chững chạc, bỗng dưng tác giả "phang" câu cú phóng rất "bình dân" giống như  của mấy chú bé cửi trần đánh đinh đánh đáo nói chuyện với nhau ở vỉa hè. Ngoài ra người ta chỉ nói "cú đấm", "cú đá" chứ chẳng ai nói "cú phóng tên lửa" cả!

18) VOA tiếng Việt ngày 19/3/2013: "Tội danh giết người có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình." Không ai nói "khung hình phạt" cả, mà là "mức hình phạt từ". hoặc "hình phạt quy định từ 12 năm tới 20 năm." Người viết bản tin này không có kiến thức về luật pháp.

19) BBC tiếng Việt ngày 18/3/2013: "Mỹ và Nga vẫn nắm giữ hai vị trí đầu tiên trong danh sách (xuất cảng vũ khí) này.". Tác giả không phân biệt được thế nào là "đầu tiên" và thế nào là "hàng đầu". Đầu tiên là trước tiên, nói về thời gian trước sau. Còn hàng đầu/đứng đầu nói về vị trí cao thấp. Câu văn chỉnh phải là "Mỹ và Nga vẫn nắm giữ vị trí hàng đầu trong danh sách xuất cảng vũ khí."

20) BBC tiếng Việt ngày 19/3/2013: "Ông (Tony Blair) còn được tin là đã cố vấn cho một số tập đoàn tài chính như JP Morgan và Zurich International." Đây là bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt nhưng lại không phải là tiếng Việt! Nếu đúng là tiếng Việt thì phải dịch như sau, "Còn có tin Ô. Tony Blair đã cố vấn cho một số tập đoàn tài chính như JP Morgan và Zurich International."

            Tôi sẽ còn tiếp tục theo dõi các trang BBC và VOA tiếng Việt để quý vị biết thêm về trình độ Việt Ngữ của các đài này. Dĩ nhiên họ đều là người Việt Nam và được đài tuyển chọn, nhưng không hiểu sao họ lại có một thứ Việt ngữ kém cỏi và lạ lùng đến như vậy? Nếu ngày xưa chúng tôi ở Lớp Nhất (Lớp 5 bây giờ) mà viết những đoạn văn què và tối nghĩa như thế, chắc chắn thầy/cô sẽ sổ toẹt (gạch chéo) từ trên xuống dưới và đề nghị hiệu trưởng cho xuống Lớp Nhì (Lớp 4 bây giờ) để học thêm Việt văn. Nhưng nói thế thì cũng tội nghiệp cho những học sinh Lớp Nhì thuở xưa. Ở trình độ Lớp Nhì, Lớp Nhất ngày xưa ở Hải Phòng, chúng tôi đã thuộc lòng như "cháo chảy" Quốc Văn Giáo Khoa Thư, rồi đọc các tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng, dã sử như Tiêu Sơn Tráng Sĩ, các đoạn văn của Thanh Tịnh, các tiểu thuyết ủy mị như Đồi Thông Hai Mộ, Hồng và Cúc, Phạm Công Cúc Hoa, các truyện Tàu như  Tây Du Ký, Hán Sở Tranh Hùng và đủ loại kiếm hiệp nhảm nhí như Kim Hồ Điệp, Long Hình Quái Khách v.v… Rồi khi lên Trung Học Đệ Nhất Cấp là cuốn Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển dày cộm của Dương Quảng Hàm ..xương sống của nền văn chương Việt Nam. Rồi khi lên lớp Đệ Nhị (Lớp 11) thì học Tiểu Thuyết Luận Đề của các tác giả thuộc Tự Lực Văn Đoàn. Còn khi lên Lớp Đệ Nhất (Lớp 12) thì phải "nhá" cuốn Luận Lý Học của Trần Văn Hiến Minh…nhức cả đầu. Riêng bản thân tôi tiếp tục với 4 năm ở Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, hai năm ở Ban Cao Học thuộc Học Viện Quốc Gia Hành Chánh - cộng với hơn 20 năm viết văn ở hải ngoại…mà mỗi khi đặt bút viết cũng phải hết sức đắn đo suy nghĩ xem mình dùng chữ có đúng không, văn có chỉnh, gẫy gọn không, có lai căng và dễ hiểu không? Tôi còn nhớ văn hào Victor Hugo của  Pháp mỗi khi viết xong một đoạn văn ông đều đọc cho chị quét dọn trong nhà nghe xem có hiểu không. Khi mình viết một đoạn văn mà người đọc lúng túng, ngỡ ngàng tức mình đã viết một câu văn tối nghĩa.  Khi người đọc nhăn mặt tức mình viết một câu văn sai hoàn toàn- người xưa gọi là "văn bất thành cú".

 người cầm bút ai cũng phải thận trọng với văn chương và ngôn ngữ vì nó là bộ phận văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Do đó tôi mong mỏi các bạn đang phụ trách các trang Việt Ngữ của Đài VOA và BBC nếu có đọc bài này nên coi lại vốn liếng Việt Ngữ của mình. Nếu thấy còn thiếu sót nên học thêm các lớp văn chương Việt Nam, đọc thêm các sách về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, tôn giáo, triết học, quân sự, ngoại giao… để cống hiến cho độc giả những bản tin, những bản dịch có trình độ trí thức và là khuôn mẫu cho các thế hệ mai sau, nhất là cho ngành báo chí. Ngoài ra cũng nên nhớ cho "Ngoài trời còn có trời" tức là còn rất nhiều người giỏi hơn mình. Do đó mình cần tiếp nhận những lời phê bình để thành công và tiến xa hơn. Mong lắm thay./.

Đào Văn Bình

(California ngày 20/3/2013)

(*) Mot à mot là lối dịch theo dòng, từng chữ một mà không tìm hiểu ý của cả đoạn văn.  Dịch theo kiểu "mot à mot" thì văn ngây ngô giống như ông Tây hay ông Mỹ nói tiếng Việt không rành.

2013/03/20

CÁM ƠN TIỀN NHÂN

CÁM ƠN TIỀN NHÂN


HỒ TẤN VINH


Thăm thẳm đường lưu lạc

một cơ hội ngàn năm

hãy cùng nhau mà lót

những viên gạch hồi tâm

 

hởi những người con cưng của đất nước

lúc Tổ Quốc cần

ta có nhịp bước với non sông?

 

con cháu chúng ta sau này sẽ

quỳ gối, cúi đầu

cám ơn tiền nhân.

 


HỒ TẤN VINH

Melbourne

20/3/2013




Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí


2013/03/16

Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng

  Lê Sỹ Minh Tùng
                                                                 
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành. Vua Tây Tạng còn có một người vợ khác là công chúa Ba-lợi-khố-cơ của nước Ni-bạc-nhĩ cũng là người có học thức nên cả hai khuyên nhà vua cử người sang Ấn Độ và Trung Hoa để thỉnh các vị Tăng sĩ Phật giáo đến Tây Tạng truyền pháp và đồng thời cũng cử một phái đoàn gồm 18 người do đại thần Thon-mi-sandhota dẫn đầu sang Ấn Độ du học. Khi học xong, những người này về nước bèn chế ra chữ viết riêng cho Tây Tạng dựa theo chữ viết tiếng Phạn để có thể phiên dịch kinh điển Phật giáo sang Tạng ngữ. Sự hình thành một loại chữ viết và việc phiên dịch kinh điển Phật giáo sang Tạng ngữ là một công trình hết sức phức tạp, nhưng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn làm mọi người hết sức kinh ngạc. Nữa thế kỷ sau đó, năm 710 vua Đường Duệ Tông lại gả công chúa Kim Thành cho vua Tây Tạng đời thứ 35 là Khí-lệ-xúc-tán. Vị công chúa này lại mang đến Tây Tạng rất nhiều kinh thư và sách vở của Trung Hoa. Năm 787, ngôi chùa đầu tiên của Tây Tạng có tên là chùa Samye (Tang duyên) được xây dựng và hoàn thành về phía đông nam thủ đô L'hasa và đây là nơi mà vị cao tăng Ấn Độ Santaraksita (Tịch Hộ) đến hoằng hóa trong suốt 13 năm thể theo lời mời của vua Trisong Detsen. Sau đó có nhiều ngôi chùa khác được xây dựng khắp nơi và nhiều vị cao tăng Ấn Độ được mời sang Tây Tạng để hoằng pháp. Thời gian này được xem là thời kỳ phát triển mạnh nhất của Phật giáo Tây Tạng. Với sự hỗ trợ của vua Khri-ral-pa-can, Phật giáo đã đẩy lui những ảnh hưởng của tôn giáo thần chú, bùa ngãi địa phương Bon Pa. Mặc dù Phật giáo phát triển mạnh, nhưng người dân Tây Tạng vẫn ưa chuộng huyền thuật hay phép màu do ảnh hưởng lâu đời của đạo Bon Pa để lại. Ảnh hưởng này ngấm ngầm chi phối dân Tây Tạng trong việc tiếp nhận các luồng tư tưởng Phật giáo khác nhau. Theo chiều dài của lịch sử, Phật giáo Tây Tạng chịu ảnh hưởng của bốn luồng tư tưởng; đó là :

1) Luồng tư tưởng này đến từ phương Nam và là sự tổng hợp các tư tưởng đại thừa do một số học giả bậc nhất của đại học Ma-kiệt-đà truyền đến. Họ đã sắp xếp nội dung bộ Bát Nhã Ba-la-mật thành 25,000 bài kệ có đánh số rõ ràng và đây được xem như là bước đầu tiên trong việc thiền quán về bộ kinh này. Vì đã được chú giải trước ở Ấn Độ nên khi truyền đến Tây Tạng thì bộ Hiện Quán Trang Nghiêm Luận đã trở thành nền tảng căn bản để đào luyện những tư tưởng cao hơn mà không lệ thuộc hệ thống Mật tông.

2) Luồng tư tưởng thứ hai đến từ phía Đông là của phái Nhất thiết hữu bộ. Tuy được sự thỉnh mời của vua Tây Tạng, nhưng bộ phái này không bao lâu đã trở thành mờ nhạt vì người dân Tây Tạng không mấy tích cực về những giáo lý mà chỉ thích phép mầu, thần thông.

3) Luồng tư tưởng thứ ba cũng đến từ phía Đông do các thiền sư Trung Hoa truyền sang. Các vị này đã có rất nhiều nỗ lực để chuyển lối sống của người dân Tây Tạng sang theo lối đại thừa, nhưng sau đó vì ảnh hưởng của mật tông nên họ đã bị thất bại hoàn toàn và bắt buộc phải rời khỏi Tây Tạng. Khoảng năm 775 có cuộc đấu tranh dữ dội giữa những đồ đệ của các bậc thầy Trung Hoa (đại thừa) và những đồ đệ của bậc thầy mật tông. Các tu sĩ Trung Hoa bị dồn ép ác liệt và kết quả họ bị đuổi ra khỏi xứ này. Đây có lẽ đánh dấu cho sự cáo chung của Phật giáo đại thừa bắt đầu truyền vào Tây Tạng vào thời công chúa Văn Thành.

4) Luồng tư tưởng thứ tư là do Đại sư Liên Hoa Sanh (Padma Sambhava) được vua Tây Tạng Ngật Lật Song Đề Tán (755-797) thỉnh từ xứ Udyàna, miền bắc Ấn Độ. Khi nhận lời mời đến Tây Tạng, Đại sư còn đem theo 25 vị đệ tử rất nổi tiếng có tài thần thông biến hóa, hàng phục ma chướng tà đạo. Ấn tượng mà Ngài Liên Hoa Sanh tạo ra với Tây Tạng phần lớn là nhờ vào việc thực hiện những phép mầu, có tài chinh phục ma quỷ và khả năng thần thông biến hóa rất gần gũi với đạo Bon Pa nên được dân Tây Tạng tiếp nhận rất cuồng nhiệt. Những huyền thoại để lại về Ngài có thể là đã vượt qua những sự kiện lịch sử vì dân Tây Tạng xem Ngài là Đức Phật Thích Ca tái thế.

 Sự dung hợp và tiếp thu các luồng tư tưởng theo khuynh hướng đặc thù của người dân Tây Tạng đã biến Phật giáo Tây Tạng đậm màu sắc của những huyền thuật và phép mầu. Ngài Liên Hoa Sanh là người sáng lập ra tông phái Ninh Mã (Nyingma) được gọi là Cổ phái và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay. Ngài cũng là tác giả của cuốn sách "Tử Thư", xây dựng tu viện Tang Duyên (Samye) và được coi là Tổ sư của Phật giáo Tây Tạng. Vì thế Phật giáo Tây Tạng không còn ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa nữa mà được xem như là Phật giáo Mật tông đậm màu sắc thần linh, lễ nghi, bùa chú, ấn quyết, xuất quỷ nhập thần rất phức tạp.

Tuy nhiên, thế gian việc gì bạo phát thì bạo tàn vì thế việc phát triển quá nhanh chóng của Phật giáo tại Tây Tạng cũng không ngoài ngoại lệ này. Năm 836 khi vua Tây Tạng đời thứ 39 là Lang-dar-ma lên ngôi thì ông cố gắng tích cực để tiêu diệt Phật giáo vì ông là một tín đồ thuần thành của đạo Bon Pa. Sau khi đàn áp Phật giáo được sáu năm thì ông bị một Lạt Ma dùng cung bắn chết vào năm 842. Tuy đã giết chết nhà vua, nhưng tình hình Tây Tạng càng ngày càng đi vào chỗ tối tăm vì các nhóm thế lực tranh dành quyền lực khiến cho nước Tây Tạng bị chia năm xẻ bảy làm cho đời sống dân Tây Tạng cực kỳ khổ sở. Triều đình thẳng tay đàn áp Phật giáo và buộc các tăng sĩ phải đi làm thợ săn, đồ tể…và họ đốt phá kinh điển cũng như chùa chiền. Để chống lại đạo Bon Pa, Phật giáo Tây Tạng tìm cách tái lập quan hệ với Ần Độ để thỉnh mời các tăng sĩ sang truyền pháp.

Trong khi ở Tây Tạng vua Lang-dar-ma cố tình tiêu diệt Phật giáo thì vào thời điểm đó tức là vào năm 845 ở Trung Hoa cũng xảy ra tình trạng đàn áp và hủy diệt Phật giáo do vua Đường Vũ Tông đề xướng. Nhà vua đã ra lệnh hủy hoại trên 1,600 ngôi chùa lớn và bức bách trên 260,000 tăng ni phải hoàn tục. Vua còn ra lệnh đốt hết tất cả kinh điển Phật giáo, đập phá tượng Phật, tịch thu ruộng đất nhà chùa và thu góp các chuông đồng để đúc thành tiền. Cũng giống như ở Tây Tạng, sau pháp nạn thì nhà Đường ngày càng lâm vào cảnh suy vi, u ám và lọa lạc cho đến năm 907 nhà Đường bị Chu Toàn Trung diệt mất mà lập ra nhà Hậu Lương.

Một trong số những người đã có công chấn hưng Phật giáo Tây Tạng là Rin-chen Bzangpo (985-1055). Ông đã sang Ấn Độ và được thọ giáo với 70 vị danh tăng cho nên khi về nước ông còn mời rất nhiều vị đến Tây Tạng giúp ông trong việc phục hưng Phật giáo Tây Tạng. Các vị danh tăng Ấn Độ khi vào Tây Tạng có mang theo rất nhiều kinh điển mật tông như: Nhất Thiết Như Lai Kim Cang Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật Đại Giáo Vương…được dịch sang Tạng Ngữ. Những yếu tố thiên về Mật tông trong thời điểm này khiến cho hầu hết các tông phái Phật giáo ở Tây Tạng đều mang đậm sắc thái của Mật tông.

Những sự đàn áp của triều đình không bóp chết được niềm tin mãnh liệt đã được nẫy nở trong lòng người dân Tây Tạng vì thế cho dù Phật giáo Tây Tạng chịu đựng sự đàn áp sắp đến chỗ diệt vong đến cuối thế kỷ thứ 10 và mãi đến thế kỷ thứ 11 thì mới được khôi phục. Năm 1041 có Đại sư Atisha (982-1054)
lúc bấy giờ đang trụ trì tại tu viện Vrikamalisa ở miền bắc Ấn Độ nhận lời mời của vua Yeshe-O để đến Tây Tạng. Ông lấy triết học Tánh không và Duy thức làm tư tưởng cho Phật giáo Tây Tạng và đã sắp xếp toàn bộ hệ thống kinh sách làm ảnh hưởng rất lớn đến các hệ tư tưởng Mật tông Tây Tạng. Ông nghĩ rằng một trong những khó khăn của Phật giáo là có quá nhiều pháp môn để tu giải thoát nên ông giới thiệu tác phẩm "Minh Đăng Thánh Đạo" để giúp chúng sinh thực hành dựa theo ba trình độ phát triển tâm linh. Mức độ thấp nhất là những người muốn tìm cầu hạnh phúc trong thế gian này và chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Mức độ thứ hai là những người cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình, nhưng khôn ngoan hơn là chọn một cuộc sống đạo đức và tìm cầu trong sạch. Mức độ cao nhất là những người trong tâm đã hoàn toàn thanh tịnh giải thoát. Nhưng tác phẩm này chỉ được phát huy tối đa vào khoảng 300 năm sau với sự xuất hiện của Ngài Tông-khách-ba (Tsong Khapa). Đại sư Tông-khách-ba (1357-1419) sinh tại Amdo thuộc vùng đông bắc Tây Tạng, xuất gia lúc còn nhỏ và tham học với nhiều vị đại sư khác nhau. Ông sáng lập ra tông phái Hoàng mạo phái (phái mũ vàng) (Gelugpa), một tông phái quan trọng nhất của Tây Tạng hiện nay. Ông chủ trương xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành hai tác phẩm chính: Bồ-đề đạo thứ đệ (Lamrin Chenmo) tiêu biểu cho đường lối tu tập Hiển giáo và Chân ngôn đạo thứ đệ (Ngagrim Chenmo) tiêu biểu cho đường lối Mật Giáo. Trước khi mất, Ông di chúc lại cho hai đệ tử là Dalai Blama và Panchen Blama tức là Đạt-Lai Lạt-Ma (từ bi) và Ban thiền Lạt-Ma (trí tuệ).  

Sự hình thành của các tông phái Phật giáo Tây Tạng diễn ra khoảng 400 năm do chính người Tây Tạng thành lập cho thích hợp với tinh thần và xã hội của họ mà yếu tố huyền thuật, phép mầu hay thần thông hầu hết đều mang nặng màu sắc của Mật tông đã từng gắn bó lâu dài với người dân bản xứ.
Để chống lại sự đàn áp của nhóm Bon Pa, Phật giáo Tây tạng đã được tổ chức thành những môn phái, giáo hội, nhưng chính sự tổ chức nầy đã đưa Phật giáo vào con đường suy vong. Vì có nhiều giáo hội, tông phái dần dần các tu sĩ đã trở nên lười biếng, không giữ gìn giới luật và coi việc tu hành như một nghề nghiệp hướng dẫn tinh thần cho quần chúng hơn là tu thân cầu giải thoát. Tệ hại hơn nữa, các nghi thức hành lễ để suy gẫm lời Phật dạy đã biến thành cúng vái, xin xỏ, lên đồng, nhập cốt, giải đáp là số tử vi, bùa chú thư phù…Các tinh hoa Phật pháp được cất giữ không mang ra giảng dạy mà chỉ đề cao hình thức bề ngoài. Các tu sĩ không chịu tu học mà chỉ đặt trọng tâm vào việc sắc tướng như kêu gọi Phật tử xây chùa, đúc tượng để được phước. Truyền bá những chuyện mê tín hoang đường để lôi kéo tín đồ thay vì giúp họ tu hành để được giải thoát giác ngộ. Họ còn cho phép các tu sĩ được lấy vợ và được thừa kế tức là nếu cha là Lạt Ma thì con đương nhiên cũng thành Lạt Ma khỏi cần tu học. Ở Tây Tạng có rất nhiều tông phái, nhưng đại để có những tông phái mà những vị tổ sư đã làm sáng danh Phật giáo Tây Tạng cho đến ngày nay là :

1) Phái Kadampa
là do đệ tử của Đại sư Atisha là Ngài Gyalwa Dromtonpa thành lập vào khoảng năm 1050. Tông phái này tiêu biểu cho truyền thống trung tâm của Phật giáo Tây Tạng.

2) Phái Kagyu do Ngài Marpa Lotsawa sáng lập. Tông phái này dần dần mang đậm bản sắc Tây Tạng nhất so với các tông phái khác và không nắm giữ hoặc chi phối các quyền lực xã hội như các phái Gelugpa…Hiện nay, phái này vẫn còn là một môn phái bảo thủ mạnh nhất và họ xem việc lập gia đình không cản trở đến sự tu hành. Trong phái này có sự xuất hiện của Milarepa (1040-1123) là bậc thánh giả và cũng là nhà thơ vĩ đại của Tây Tạng. Ông nổi tiếng với tác phẩm Thập vạn ca (100,000 bài ca). Trước khi theo Phật giáo, ông tu theo ma thuật để tìm giết hại những kẻ thù của gia đình bằng cách làm cho nhà sập đè lên họ và làm mưa đá rơi trên ruộng của họ. Sau đó nhận biết tội lỗi của mình nên đến tìm gặp Đại sư Marpa để Ngài giúp ông trả hết những ác nghiệp đã tạo bằng cách gánh chịu những cực hình trong suốt 6 năm. Vào năm 44 tuổi thì ông ngộ đạo rồi sống 39 năm còn lại như một nhà ẩn tu trên Hy-mã-lạp sơn gần biên giới Nepal cho đến khi ông viên tịch vì uống sửa có pha thuốc độc của một người ganh ghét ông.

 Truyền thống tái sinh của các vị Karmapa thuộc phái Karma Kagyu được khởi đầu từ thế kỷ thứ 12 nghĩa là sớm hơn so với các vị Đạt-La Lạt-Ma gần ba thế kỷ. Có thể nói họ là những người đầu tiên khởi xướng truyền thống tái sinh tại Tây Tạng.  

3) Phái Shi-byed-pa trước tiên do Phan-dam-pa đề ra là tông phái duy nhất chú trọng đến Bát Nhã nên tông phái này chỉ dành cho thiểu số những người có trình độ cao. Họ dành trọn tâm trí cho việc thực hành thiền ở những nơi cách biệt và không quan tâm đến xã hội nhiều. Họ lấy bộ Trung Quán Luận làm nền tảng tu hành. Đây là sự điều chỉnh những điểm cốt yếu và mặt tâm linh của Phật giáo cho phù hợp với giáo lý mật tông.

4) Phái Saskya có những nét gần gũi hơn với đời sống thế tục. Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ, Tây Tạng không có chính quyền trung ương nên các tăng sĩ của phái này đã nắm lấy chính quyền và truyền ngôi vị lại cho con cháu. Hiện nay họ vẫn còn tồn tại nhưng đã từ lâu không còn nắm quyền cai trị đất nước.

5) Phái Gelugpa là tông phái nổi tiếng nhất ở Tây Tạng được sáng lập bởi Ngài Tông-khách-ba (Tsong Khapa) (1357-1419) là nhà tư tưởng vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng. Ngài là một nhà cải cách và đã tiếp nối công việc hoằng pháp của Đại sư Atisha tức là nghiêm về đạo đức, giới luật và giảm nhẹ ảnh hưởng của pháp thuật bằng cách nhấn mạnh vào khía cạnh tâm linh. Đây chính là phái mũ vàng đã nắm quyền cai trị Tây Tạng cho đến năm 1950 khi Trung Cộng xua quân đánh chiếm đất Tây Tạng. Sự thành công nhanh chóng của Ngài Tông-khách-ba (Tsong Khapa) là vì nhờ ông có rất đông đệ tử, nhờ vào việc thành lập các tự viện và nhờ vào 16 bộ sưu tập các tác phẩm Phật học. Trong số đó có hai tập rất nổi tiếng. Một là trình bày đầy đủ về sáu phép ba-la-mật của đại thừa và tập kia nói rõ những phương thức công phu theo Mật tông. Tập sách đầu có tên là "Từng bước đi lên giác ngộ" là dựa theo từ tập sách Minh Đăng Thánh Đạo của Ngài Atisha. Ngài là vị học giả luôn cố gắng tìm vị trí trung dung giữa những cực đoan, tránh sự thiên lệch và đưa lại sự hòa giải giữa hai phái mũ vàng và mũ đỏ.

Mãi cho đến vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 5 là Lobsang Gyatso (La bốc tạng Gia mục thố) thì việc chấn hưng mới được hoàn mãn. Tục lệ thừa kế bị loại bỏ và nhiều kỳ thi về Phật học được tổ chức để gạt bỏ những người mượn áo tu hành làm điều bất chính. Những kinh điển từ trước vẫn được cất kỹ thì nay được mang ra truyền bá sâu rộng để khuyến khích phong trào tu học trong nước. Mọi gia đình được khuyến khích gởi con cái vào các tu viện để trở thành các vị Lạt Ma. Sau đó họ có thể lập gia đình và sống như một người thường. Chỉ khi nào họ phát nguyện xuất gia thì mới được gọi là tu sĩ (Trappa). Vào thế kỷ 15, phái Gelugpa đưa ra một "luận thuyết" cho rằng các vị Bồ-tát như Đức Quán Thế Âm, Di Lặc và chư Phật như Đức Phật A Di Đà chắc chắn đã có hóa hiện ra những hóa thân để làm các vị giáo chủ mà hóa độ chúng sinh. Những hóa thân tái sinh này được các vị cao tăng tìm kiếm và xác nhận rất cẩn thận dựa trên những quy luật rất phức tạp do hội đồng lễ nghi đề ra. Vai trò lãnh đạo của những vị hóa thân tái sinh này là nét đặc thù của Tây Tạng trong suốt gần 5 thế kỷ qua. Tất cả 14 vị Đạt-Lai Lạt-Ma đều xuất thân từ phái mũ vàng nhưng phái mũ đỏ vẫn được tôn trọng và vẫn chiếm số đông.

Trong cuốn "Tây Tạng Huyền Bí" có diễn tả về cung điện Potala ở Tây Tạng trước khi quân Trung Cộng đánh chiếm đất nước này như sau :
"Tu thất của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma tọa lạc trên nóc điện Potala, vì theo phong tục bản xứ, không ai có quyền được ở chỗ cao hơn Ngài. Một cầu thang vĩ đại xây bằng đá rộng gần bằng một đường lộ đưa đến tư dinh của Ngài. Điện Potala là một tòa cung điện độc lập  xây dựng trên một ngọn đồi. Đó là cơ quan đầu não để giải quyết tất cả mọi công việc chính trị và tôn giáo của xứ Tây Tạng. Đó là trung tâm của quốc gia, mục tiêu của tất cả tư tưởng, nguồn gốc của tất cả mọi hy vọng. Bên trong vòng thành của cung điện, trong những tòa nhà của Ngân Khố Quốc Gia, có dự trữ những khối vàng ròng, vô số những bao đựng đầy ngọc ngà châu báu và những bảo vật quý giá của thời đại cổ xưa nhất…Tiếp tục bước lên đến một điểm cao tột trên nóc điện, tại đây có những lăng tẩm của những vị Đạt-La Lạt-Ma của quá khứ, tức tiền thân của đức Đạt-La Lạt-Ma hiện tại."
                                                                                                                          
                                                                                                                          
Hãy nhìn lại lịch sử Phật giáo vào thời Đức Phật còn tại thế. Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài trở về cung thành Ca tỳ la vệ thăm lại phụ vương và gia đình. Vua cha khẩn thiết yêu cầu Ngài ở lại cung thành vừa làm vua và vừa là vị Phật, nhưng Ngài chỉ chọn một con đường duy nhất là khất sĩ. Khất sĩ ở đây là phải chấp nhận từ bỏ tất cả, từ bỏ tiền tài danh lợi, vợ đẹp con xinh, uy quyền chức tước. Vì sao? Bởi vì đối với phàm nhân thì những thứ đó là hạnh phúc, là niềm vui, là cứu cánh tột đỉnh của cuộc sống. Còn đối với bậc đại thánh thì những hạnh phúc này chỉ là giả tạm phù du, như sương, như khói, như đám mây có tan có hợp và là những sợi dây vô hình cột chặt con người vào vòng hệ lụy khổ đau. Có thế lực, uy quyền, danh vọng là có tranh dành, có thủ đoạn hại người lợi mình và dĩ nhiên tội nghiệp cũng vì thế mà tác tạo. Đây là miếng mồi thế tục, là trò chơi của thế gian. Thí dụ làm Tổng Thống Hoa kỳ có thể được xem như là ngôi cao, tột đỉnh quyền uy thế giới hiện nay, nhưng hãy nhìn lại những Tổng Thống gần đây nhất như Clinton, Bush hay ngay cả Obama. Trước khi làm Tổng Thống, tóc da ông nào cũng tươi nhuận, nhưng sau một vài năm thì vị nào tóc cũng bạc đầu. Đủ thấy bình trị thiên hạ là phiền não, thủ đoạn, tranh giành, chém giết chớ đâu phải  dạo chơi chốn hoa viên thanh tịnh an nhàn. Đức Phật xuất thân là một vương tử, giàu sang phú quý, nhưng khi xuất gia làm người tu sĩ thì Ngài trở thành người Khất sĩ (buông bỏ tận cùng). Vì vậy Ngài mới có vô thượng Bồ-đề và vô thượng Niết bàn.

Các vị Tổ sư khi thành lập mỗi một tông phái đều thể hiện những đặc tính siêu việt của mình trong những yếu tố góp phần tạo nên đời sống thêm phong phú cho Phật giáo Tây Tạng. Tuy các tông phái có sự khác biệt về việc tổ chức tự viện, về màu sắc y phục, về các vị thần bảo hộ hay phương pháp thiền định, nhưng họ luôn có sự tác động và vay mượn lẫn nhau. Sự nổi bật của các vị Đạt-Lai Lạt-Ma đã làm cho nhiều người lầm tưởng rằng các Ngài là những vị lãnh đạo của toàn thể nhân dân Tây Tạng. Nhưng trên thực tế, Tây Tạng có rất nhiều tông phái khác nhau và mỗi phái có một vị lãnh đạo tinh thần tối cao của riêng mình. Vì thế tuy Đức Đạt-Lai Lạt-Ma được xem là người lãnh đạo cao nhất của Tây Tạng về mọi mặt, nhưng mỗi một truyền thống tông phái đều có một vị đứng đầu để dẫn dắt họ.

Đối với Phật giáo trên khắp thế giới hiện nay, một phần ba thuộc về Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) (Tiểu thừa) (Hynayana), hai phần ba thuộc Phật giáo Đại thừa Bắc tông (Mahayana). Trong khi đó, Kim cang thừa Phật giáo (Vajrayana) chỉ đại diện cho 1/30 số người Phật giáo vì Mật tông giới hạn trong các nơi thưa dân như Tây tạng, Bhutan, Nepal và Mông cổ. Mặc dù Đức Lạt-Lai Lạt-Ma chỉ đại diện cho 1% tín đồ Phật giáo thế giới, nhưng với uy tín của Ngài, người Tây phương vẫn nhìn Ngài như người đại diện cho toàn thể Phật giáo.

Khi Trung Cộng xua quân đánh chiếm nước Tây Tạng năm 1950 thì cả hai Ngài Ban Thiền và Đạt-Lai còn kẹt lại Tây Tạng. Tháng 4 năm 1959, sau chín năm bị giam lỏng ở Potala, Đức Đạt-Lai trốn thoát và tỵ nạn tại Dharamsala tức Little L'hassa gần biên giới Tây Tạng và Ấn Độ cho đến ngày nay. Trong khi Đức Đạt-Lai trốn được qua Ấn Độ, Ngài Ban Thiền thứ 10, Lhundrup Choekyl Gyaltsen, còn bị kẹt lại và đã viết bài kiến nghị dài bảy mươi nghìn chữ để tố cáo cho thế giới về cảnh ngộ khốn cùng của đồng bào Tây Tạng dưới sự thống trị của Trung Cộng. Ngài đã bị đảng Cộng Sản Trung Quốc và Mao Trạch Đông lăng mạ và  kết án 14 năm trong tù hay cấm cố tại nhà. Tháng 12 năm 1964, Ngài bị đưa đến Bắc Kinh dưới tội danh "phản cách mạng" và bị đánh đập tàn nhẫn. Năm 1978, sau khi được trả tự do, Ngài du hành khắp Tây Tạng và tiếp tục phê bình chính sách cai trị bạo tàn của Trung Cộng. Chẳng bao lâu sau đó, Ngài bị bắt trở lại và ngày 28 tháng giêng năm 1989, Ngài được nói là đã trút hơi thở cuối cùng trong hoàn cảnh rất bí mật, hưởng dương 51 tuổi. Để tiếp tục truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, năm 1995 Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã chứng nhận Gendun Choekyi Nima là Đức Ban Thiền thứ 11, nhưng sau đó Bắc Kinh đã bắt cóc vị này cùng với cha mẹ và họ bị mất tích cho đến ngày nay. Trung Cộng sau đó tự chọn một cậu bé khác tên là Gyaltsen Norbu để ngồi vào chức vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, người mà hầu hết nhân dân Tây Tạng tẩy chay. Đức Đạt-Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay đã lớn tuổi, nếu một ngày nào đó Ngài viên tịch thì chắc chắn Trung Cộng sẽ chọn một vị Đạt-Lai mới cũng giống như Ngài Ban Thiền thứ 11 thì truyền thống Phật giáo Tây Tạng sẽ mai một./.

                                                                                                              Lê Sỹ Minh Tùng