*** TU THÂN, TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ *** CÔNG KHAI THẢO LUẬN, ÂM THẦM HÀNH ĐỘNG *** Đã đến lúc tòan dân Việt hãy muôn lòng như một quyết chí đấu tranh cho QUYỀN DẠ DÀY, QUYỀN LÀM NGƯỜI, QUYỀN TỰ QUYẾT bằng cách ngay lúc này phải GIẢI THỂ TẬP ĐÒAN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BUÔN DÂN BÁN NƯỚC!!!

2012/09/30

GIÃ TỪ ĐOÀN XUÂN NGỌC * Dân không ngu như các ông tưởng



  Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 28.9.2012


GIÃ TỪ ĐOÀN XUÂN NGỌC

Thưa bạn đọc,
Ở vào cái tuổi tôi, cứ vài tuần lại nhận được tin buồn về một người bạn đã "ra đi". Dù quen thân hay sơ đều thấy nao nao một nỗi ngậm ngùi. Vậy trong bài này, trước hết xin phép bạn đọc cho tôi được gác lại chuyện thời sự vào đoạn sau để được vĩnh biệt một người bạn rất thân của tôi vừa từ trần.

Đó là ông Đoàn Xuân Ngọc, tục gọi là Ngọc Chả Cá, nhưng trong những loạt bài phóng sự của tôi từ trước những năm 1975 đến sau 75, ông là một nhân vật chính, mang "biệt danh" Ngọc Toét. Lại phải xin nói ngay rằng mắt ông không hề toét, sở dĩ tôi tặng ông cái nick name này vì ông thường hay dụi mắt mỗi khi cao hứng đấu láo với bạn bè. Vả lại cũng để dễ dàng phân biệt với nhiều ông Ngọc khác như Ngọc Khùng, Ngọc Ghẻ…
Di ảnh ông ĐOÀN XUÂN NGỌC

Ông Đoàn Xuân Ngọc từ trần tại San Jose vào lúc 0g45 sáng 25-9-2012, hưởng thọ 81 tuổi. Ông sinh vào tháng 9 năm 1932, hơn tôi đúng 1 tuổi, tôi cũng sinh vào tháng 9 nhưng là năm 1933. Ông mất sau khi các con ông và bạn bè tổ chức mừng sinh nhật của ông đúng 1 ngày.

Nếu bạn đọc đã từng nghe nói đến món ăn rất nổi tiếng là chả cá Hà Nội, thì đó chính là gia đình ông Ngọc toét đã khai sinh ra cái cửa hàng ấy và nó còn tồn tại cho đến ngày nay vẫn ở nơi chốn cũ và vẫn là căn nhà cũ. Hiện nay cửa hàng do người em ông trông coi, vẫn đắt khách và vẫn mang hương vị "ngàn xưa". Thỉnh thoảng ông Ngọc toét từ Mỹ ghé về "cưỡi ngựa xem.. cá thôi". Hai anh em ông này rất giống nhau, nhìn là biết ngay. Cũng cao cao, gầy gầy, xương xương, mặt cũng hơi dài dài, và…mắt cũng không toét.

Một điều đáng ngạc nhiên là ông Ngọc sinh trưởng trong "môi trường chả cá", đúng là "con nhà nòi" mà không hề biết ăn mắm tôm. Đặc điểm khác là ông không bao giờ tốn tiền đi dancing, không chơi bất cứ thứ "cờ bịch" nào, chỉ lai rai thích nhậu.

Anh hùng ngõ Chả Cá
Ông Ngọc nổi danh một thời ở Hà Nội khi còn rất trẻ. Khi chưa quen biết ông, tôi nghe thiên hạ đồn rằng hồi Hà Nội còn thuộc quyền cai trị của Pháp (vào thập niên 40-50), mấy anh Tây lai, Tây thật, dân học trường Tây hay bắt nạt mấy anh học trò Việt. Chúng nó toàn là công tử "nhà mặt phố, bố làm to", cũng y chang như các con ông cháu cha bây giờ vậy. Có thằng bố là chánh sở mật thám, có thằng là con một chánh sở phủ Toàn Quyền…

Nhưng có lần chúng chui vào ngõ Chả Cá đánh lộn, ông Ngọc liền cắt tai một thằng Tây con khiến cả bọn từ đó không dám vênh váo ở Hà Nội nữa. Thế là ông thành "anh hùng Ngọc Chả Cá".

Cho đến năm 1953, ông được lệnh động viên vào khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị (TSQTB) Thủ Đức. Ông ở Đại Đội 2, tôi  ở Đại Đội 3, cách nhau một dãy nhà, giữa khu đó có một bãi cỏ, chúng tôi dùng làm sân bóng chuyền. Có những ngày thứ bảy chủ nhật không được đi phép ra Sài Gòn, chúng tôi quần thảo nhau ở bãi cỏ cho đỡ buồn. Tôi gặp "người hùng Ngọc Chả Cá" ở đó. Chẳng hiểu sao ông lại khoái tôi, rủ đi lên câu lạc bộ uống bia. Tôi không uống rượu từ nhỏ nên chỉ ngồi nhâm nhi ly cà phê.
Đoàn Xuân Ngọc và phu nhân hồi còn trẻ

Từ đó chúng tôi thân nhau, ông kể khối chuyện về những ngày thơ ấu. Nét đặc biệt nhất của Ngọc Chả Cá là nói chuyện rất có duyên mà không bao giờ cười. Ông nói thật hay bịa chuyện, nói dóc, chẳng biết đâu mà lần.

Có lần ông ngồi giữa Brodard với khá đông anh em, ông thản nhiên nói: "Tao mới gặp em ca sĩ XX… em hỏi có biết tại sao mặt em bị rỗ hoa không?" Anh em lắng nghe, ông nói tiếp: "Em kể, tháng trước mới cãi nhau với anh Hùng, anh ấy cãi hăng quá làm nước bọt bắn vào mặt em, thế là em bị rỗ hoa". Những câu chuyện "ngất ngưởng" như thế khiến bạn bè rất khoái nghe ông đấu láo.

Từ đó, tôi lại có thêm một nhân vật phóng sự nữa là ông Hùng Sùi. Thật ra trong loạt phóng sự của tôi, có 3 nhân vật "trung tâm" là Ngọc Toét, Hùng Sùi và Mai Hắc Lào (đều là bạn thân của tôi), để làm "đối trọng" với 3 nhân vật ấy có 3 nhân vật "dân sự" là Pôn Húc Con, Pôn Húc Bố và bà Phán Phom.

Trên chuyến tàu ra Bắc
Tôi nhớ rất rõ, trên chuyến tàu Gascogne chở Sinh viên  Sĩ quan (SVSQ) từ Saigon ra Bắc học stage cuối khóa vào khoảng cuối tháng 3 năm 1954, Đại đội (ĐĐ) tôi và ĐĐ2 học tại trường Commandos Nord VietNam ở Bãi Cháy - Hạ Long; còn hai ĐĐ khác học stage ở Đồ sơn. 3 ngày nằm trên tàu biển, ĐĐ tôi may mắn được nằm ở khoang tàu trên cùng, đỡ bị say sóng. Nhưng ngày 2 buổi đi xuống hầm tầu lấy cơm, vất vả hơn đi hành quân. Phải leo xuống chừng mười cái cầu thang hẹp téo vừa đủ một người đi mới đến bếp. Hàng mấy trăm SVSQ chen chúc nhau, sức yếu, tôi lại chỉ nhờ vào tài "xung phong" của ông Ngọc Chả Cá và ông Hùng mới có cơm ăn.

Hai tháng ở trường Commandos quả thật gian nan, lúc đó mới biết cái cầu khỉ nguy hiểm như thế nào. Cơm để trên đỉnh núi, đi cano ra tập leo núi, không leo được đến đỉnh núi với 1 cái giây duy nhất thì nhịn đói. Còn phải học nhiều trò nguy hiểm nữa để trở thành một SQ chỉ huy Commandos (hồi đó chưa gọi là Biệt Động Đội). Chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau, chia sẻ những khó khăn và cùng tốt nghiệp khóa này.

Trở lại Trường SQTB, làm lễ mãn khóa xong là anh em xa nhau. Ông Ngọc về chiến đấu ở sư đoàn bộ binh, ông Hùng Sùi và Mai Hắc Lào về nhảy dù, tôi về làm huấn luyện viên Trường Comandos từ Bãi Cháy mới dọn vào Đồng Đế - Nha Trang (tháng 6-1954). Nhưng lại cái số, chỉ hơn một năm sau, tôi được lệnh về phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng.

Bài báo duy nhất của Đoàn Xuân Ngọc
Vào thời lỳ chiến tranh mới bộc phát tại miền Nam VN (khoảng 1960), chưa có nhiều phóng viên nên tôi và anh em trong tòa soạn mấy tờ báo Quân Đội thường phải đi làm phóng sự chiến trường. Mãi sau này, khi chúng tôi huấn luyện được một khóa Phóng Viên Tiền Tuyến, gửi về công tác tại các Sư Đoàn, các anh ấy đều rất xuất sắc, lúc đó tôi mới đỡ phải khăn gói ra máy bay bất cứ khi nào cần.

Một lần tôi đáp trực thăng xuống mặt trận vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, trên cánh đồng giữa tỉnh Chương Thiện. Chiến trận chưa kết thúc hoàn toàn, đây đó còn vương mùi khói súng, thỉnh thoảng còn nghe tiếng đạn nổ. Vừa xuống máy bay, đã thấy ông Ngọc toét chạy tới. Tôi hỏi đùa: "Mày đánh trận này sao?". Ông Ngọc cười ha hả: "Tao đấm chứ không cần đánh". Sau đó ông tường thuật lại chi tiết trận đánh này, tôi chưa ghi chép xong thì trực thăng đã cất cánh tới quân khu 4. Còn một số chi tiết, về đến tòa soạn, tôi phải điện thoại hỏi lại ông Ngọc. Ông tường thuật, tôi viết bài, sau đó ký tên chung bài "Tường trình của Đoàn Xuân Ngọc và Văn Quang" trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa.

Đó là bài báo duy nhất của ông Đoàn Xuân Ngọc.

Nhân cách đặc biệt của Ngọc Toét
Tôi phải nói thẳng ra là ông Ngọc có một nhân cách rất đặc biệt "không giống ai". Ông quen biết nhiều, giao thiệp rộng từ "cánh giang hồ" đến "dân chơi Cầu Ba Cẳng" và cả những vị "ăn trên ngồi trước". Nhưng với ai ông cũng cư xử giống nhau. Tốt là bạn, xấu là thù, rất rõ rệt, không cần màu mè riêu cua. Vợ một "ông lớn" nói ngang, ông "xạc" ngay tại chỗ. Ông luôn hết lòng vì bạn, không nghĩ đến mình. Vì vậy, bạn ông rất nhiều và ai cũng "khoái" ông. Tôi không dùng chữ "quý trọng", bởi thật sự trong chữ "khoái" có cả lòng quý trọng rồi. Cái tin ông mất khiến anh em khắp nơi thương tiếc vô cùng, những cú điện thoại, những cái e mail từ khắp nơi gửi đi, gửi đến tới tấp.

Mặc dù chúng tôi đều biết ông bị ung thư đến thời kỳ thứ tư. Vài tháng trước, khi điện thoại cho tôi, ông nói tỉnh bơ: "Tao đi khám, bác sĩ không cho thuốc gì hết, tao hết thuốc chữa rồi. Gửi lá đu đủ cho tao".
Con gái đẩy xe lăn cho bố Ngọc mừng sinh nhật thứ 81

Cháu Thanh, con gái ông về Sài Gòn gặp tôi, mang theo một bao lá đu đủ về Mỹ cho bố. Nhưng có lẽ đã là quá muộn. Tôi thường điện thoại hỏi bệnh tình ông, ông vừa đeo bình oxy vừa trả lời. Có khi khỏe, ông vui như tết. Vẫn cái giọng "giang hồ", bất cần đời, ông thản nhiên chấp nhận sự "ra đi". Có lẽ những người bạn tôi, ở vào cái tuổi 80, ai cũng dễ dàng chấp nhận điều không ai tránh khỏi này. Nhưng ở ông sư chấp nhận ấy có vẻ "bình thường" như đi shopping.

Kỷ niệm cuối cùng
Trước đó một tuần, tôi gửi mail nhờ một anh Hồ Đăng Trí sắp về VN, mua giùm chúng tôi 2 hộp thuốc tim mạch và cũng có lời dặn dò rằng nếu anh không lấy tiền, lần sau tôi không dám nhờ anh nữa. Anh Trí vui chuyện nói với ông Ngọc, ông nhất định đòi trả tiền 2 hộp thuốc. Ông Ngọc gọi ĐT cho tôi bắt tôi phải nhận, ông nói "tao sắp đi rồi, còn cái gì làm được cho mày thì tao làm". Buộc tôi phải nhận.

Ông linh cảm thấy ngày ra đi của mình nên trước khi Hồ Đăng Trì về Sài Gòn ngày 04-9, ông nói: "Chắc khi Trí về đến San Jose không còn gặp anh nữa đâu".
Bạn bè đến chúc mùng sinh nhật trước 1 ngày ông ra đi

Quả đúng như thế, Trí còn ở Saigon, mới 5g sáng đã gọi cho tôi báo tin ông Ngọc mất đêm qua rồi. Tuổi già không ngủ được, tôi thường dậy vào lúc 2-3 giờ sáng, lúc đó tôi đã nhận được hàng chục cái mail báo tin buồn này. Bà xã tôi khóc, tôi ngồi lặng, dù biết trước mọi chuyện sẽ phải đến như thế. Bà xã tôi kể lại là khi ông Ngọc về Sài Gòn ở nhà tôi, ông nói chuyện với một bà cô ở Hà Nội, bà xã tôi thấy ông chẩy nước mắt. Bà tự hào rằng: "anh chơi với ông Ngọc gần hết cuộc đời mà chưa thấy ông Ngọc khóc. Em thấy rồi. Con người tình cảm của ông ấy sâu sắc lắm". Có lẽ vì thế, ông có những người con trai và con gái ở bên ông rất có hiếu, rất thương bố. Cậu con trai đi làm về là buổi chiều đến tắm cho bố, con gái phục vụ bất cứ thứ gì ông cần. Mấy người con ông còn ở VN cũng hết lòng với bố như vậy.

Lời hứa năm trước không thực hiện được
Năm trước, ông về Hà Nội giỗ thân phụ, khi vào Saigon, ông có nhiều bạn bè nhà cao cửa rộng, có ông còn có cả khách sạn, mời ông tới ở. Nhưng ông nhất định chui lên căn phòng nhỏ của tôi ở chung cư cùng chúng tôi. Ông chiếm cái bộ salon nhỏ, đồ đạc để đống dưới gầm bàn ăn, tiếp đủ loại khách ở đó, đêm nằm xem ti vi và nói chuyện đời xưa với tôi. Ông coi đó mới chính là cuộc sống của những anh già. Bảy ngày sau, khi ông gọi taxi ra phi trường về Mỹ, hai anh già cầm tay nhau, ông hứa "năm sau tao lại về với mày".
Ông Ngọc và bạn bè tại Sài Gòn năm 2006

Nhưng năm nay… không bao giờ ông Ngọc về lại cái chung cư nghèo nàn nhỏ hẹp này nữa!

Ngọc ơi, ông ra đi có nhớ lời hứa này không? Hay là chúng ta hẹn gặp nhau ở một nơi vĩnh hằng?

* * * * *
Dân không ngu như các ông tưởng
Đến đây tôi trở lại với câu chuyện hàng tuần.

 "Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được "ưu tiên" giải quyết công việc".

Đó là nhận định gần đây nhất, trong buổi báo cáo tại phiên họp của  Ủy ban Thường Vụ Quốc hội VN đầu tuần trước trong báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012.

Nói rõ ràng hơn là nhận định này đổ tội tham nhũng lên đầu dân. Rõ ràng hơn nữa là tại người dân ngu quá nên mới có tham nhũng hoặc không diệt được tham nhũng vì "mấy anh dân đen", cứ thích đút tiền cho quan để được giải quyết công việc nhanh chóng, chứ không phải do quan muốn "ăn tiền". Quả là một nhận định "sâu sắc quái gở".

Có anh dân đen nào lại thích mang tiền mồ hôi nước mắt - có khi là cả máu - của vợ con mình đi dâng cho người khác. Có là khùng! Ông dân này vào nhà thương điên Biên Hòa từ lâu rồi.

Đút lót xong là muốn….chửi
Xin thưa thật một điều rất thật là anh dân đen đút tiền cho quan có chức có quyền, được một chữ ký xong là anh dân đen muốn chửi thề rồi. Chẳng qua anh ta không dám chửi ở nơi công sở vì sợ các ông… bỏ tù thôi, chứ về nhà là ông chửi vung thiên địa, chửi với vợ con, chửi với hàng xóm và ông ta sẽ "ghi nhớ đời đời" vụ đút lót này chứ không thể quên. Nhưng ra đường thì anh dân đen lại sống ngoan ngoãn… dưới pháp luật, dù pháp luật đôi khi vô tình với anh ta. Chẳng qua là anh dân đen không dám nói công khai vì nói công khai thì anh ta tiêu đời, bởi luật pháp quy định rằng người hối lộ cũng có tội, đi tù như chơi.

Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế cùng thuyền.

Ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra Chính phủ nói rằng: "Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh  hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ". Thật ra người đưa hối lộ hầu hết bị ép buộc chứ chẳng ít có ai tự nguyện, trừ thành phần bị bắt quả tang trộm cướp lừa đảo muốn chạy tội.

Cái sự đời tròng tréo
Mà anh dân đi tù thì đúng ngày đúng tháng mới được tha, chứ còn quan, tiếng là tòa xử đi tù lâu hơn, tội nặng hơn nhưng thường được giảm án tùm lum, có khi còn ra tù trước cả người mang tiền đi hối lộ.
Ấy cái sự đời nó tròng tréo như thế nên anh dân không dám ho he. Không dám ho he không có nghĩa là anh ta ngu, càng không có nghĩa là "dân trí kém". Anh ta biết hết, hiểu hết, ghi nhớ lâu dài, nhưng không nói ra mà thôi. Chẳng tin thử làm một cuộc khảo sát 100 người dân xem, chắc chắn sẽ được câu trả lời là "bây giờ tham nhũng nhiều quá, đếm không hết, kể không xuể". Tại sao anh "dân ngu" không nói? Còn một lý do dễ hiểu nhất là nói ra cũng bằng thừa, nó là thứ chuyện ai cũng biết như "đói phải ăn, khát phải uống" chứ có gì lạ đâu.

Cũng may, ngay sau khi báo cáo đọc, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói: "Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút. Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông".

Ai được quyền đòi hối lộ?
Một thí dụ cụ thể trong… vô vàn thí dụ. Trong tuần này, vụ án vừa được xử tại Bình Dương: "Thư ký tòa vòi tiền người đi kiện.

Tạ Duy Việt được phân công tham gia vụ xử ông Tống Văn Đoàn (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) kiện đòi ông Lường Viết Chính (cùng xã) trả nợ 160 triệu đồng. Viên thư ký tòa này nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu ông Đoàn phải "bồi dưỡng" 15 triệu đồng mới can thiệp cho vụ án mau xét xử.

Ông Đoàn đồng ý đưa 5 triệu đồng nhưng Việt chê ít vì "cả ê kíp làm việc đâu phải chỉ mình tôi, bao nhiêu đó sao đủ". Thấy thái độ vòi vĩnh của Việt quá quắt, nguyên đơn đã tố cáo với nhà chức trách.

Sáng 22/5, ông Đoàn báo tin lo đã đủ tiền đang sửa xe máy ngay trước cổng toà, Việt liền chạy xe ra nhận 15 triệu đồng thì bị bắt quả tang."

Tha bổng cho người tố cáo tham nhũng
Những sự việc như thế là chuyện quá quen thuộc với người dân. "Cả ê kíp" đều ăn chứ chẳng riêng gì anh thư ký còm. Nhỏ thì vài chục triệu đồng, bắt chẹt từ anh khố rách áo ôm, đến lớn thì vài trăm triệu, vài tỉ đồng là "chuyện tất nhiên", nhưng hàng trăm vụ mới có một vụ bị lôi ra ánh sáng. Bây giờ đã trở thành quá trắng trợn, quan đòi "đúng giá", dân xin bớt, cò kè bớt một thêm hai như hàng tôm hàng cá giữa chợ, liêm sỉ không còn chỗ đứng. Người dân bán nhà, bán ruộng "chạy" cho quan ăn. Vậy mà khi tố cáo cũng có tội.

Cho nên, rất có lý khi ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị: "Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo" vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Trong trường hợp ở VN, nạn tham nhũng đã trở thành "đại quốc nạn", cần phải có một quan niệm về pháp lý rộng rãi hơn, phù hợp với tình hình hiện tại. Người dân sau khi đã đút lót cho quan, tự đứng ra khai báo thì được tha bổng, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó cũng là một cách khuyến khích người dân mạnh dạn tố tham nhũng, đỡ mất công úp mặt vào lu nước chửi thề cho hả dạ, vợ đỡ phải nghe những đêm ông chồng ấm ức không khác nào bị cướp, làm mất hạnh phúc. Nguy hại hơn nữa là ảnh hưởng tới tương lai của các con, bọn trẻ sẽ mang mãi bộ mặt xấu xa này của xã hội và có thể chúng sẽ nuôi cái mộng bằng mọi cách để được làm quan, để được ăn hối lộ, như thế tương lai của lớp trẻ sẽ bị đầu độc vô cùng tai hại.

Lại đến chuyện ông chủ ngân hàng chê dân trí thấp
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí,  ngày 25.8.2012 vừa qua, một quan chức ngành ngân hàng (NH) nói rằng: "Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để ngân hàng lành mạnh lên...".

Ông này nói có phần đúng nhưng là đúng với tình hình NH cách đây một năm, NH chưa có "vấn đề gì" đáng lo ngại. Còn sau vụ hàng loạt quan chức có dính líu đến ngân hàng bị điều tra khởi tố thì người dân khôn hơn nhiều. Người ta đã tìm đến những NH lớn hơn, vững vàng hơn, có lời hơn để gửi tiền. Phải nói thẳng là người dân còn khôn hơn ngân hàng của các ông nữa đấy. Bằng cớ là hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có những "chiêu" khuyến mãi rất hấp dẫn, ngân hàng lách lãi suất, mời gọi khách hành bằng đủ kiểu kể cả việc gọi điện thoại cho người gửi tiền có số lượng khá lớn từ 1 vài tỉ trở lên. Người dân không dại gì tin ngay vào những lời quảng cáo đường mật này của các ông. Họ còn nghe, còn nhìn, còn so sánh giữa NH này và NH khác chán ra rồi mới đem tiền đi gửi. Họ gửi tiền vào những ngân hàng có uy tín, tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, người dân nào cũng nơm nớp đề phòng, có "biến chuyển gì" là tức tốc đến rút tiền ra ngay, dù anh có "mạnh" tới đâu chăng nữa.

Đừng tưởng dân ngu hơn các ông.

Đợi đến bao giờ mới có luật biểu tình?
Một số vị khác đổ cho dân trí thấp cũng không phải là ít. Bên lề phiên họp Quốc hội ngày 17.11.2011, đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng: "Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình".

Vậy có phải vì dân trí thấp mới bầu ông làm đai biểu? Và ông nói đợi khi nào trình độ dân trí cao và kinh tế ổn định mới ban hành luật biểu tình thì đợi đến bao giờ? Năm sau hay 10 năm nữa? Sao ông không nói luôn rằng khi nào dân trí cao mới nói đến chuyện tự do dân chủ? Bởi sẽ có nhiều "kẻ xấu" lợi dụng tự do dân chủ, phản đối linh tinh. Còn bây giờ, ông cứ ra cái luật nào là người dân cứ cắm đầu thi hành, đừng có lộn xộn vì dân trí anh còn thấp?

Hàm ý của câu nói này khá rõ ràng nên cũng nhanh chóng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Ngay chính trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội khác khi thảo luận về vấn đề này đã ủng hộ đề nghị của Chính phủ là cần xây dựng luật Biểu tình. Thế thì, hà cớ gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại cho rằng, trình độ dân trí Việt Nam chưa cao để xây dựng dự án luật Biểu tình? Nếu có luật và áp dụng đúng luật, ít nhất người dân cũng hiểu được biểu tình thế nào là đúng luật, biểu tình kiểu gì thì bị bỏ tù?

Đừng đổ tội cho dân trí thấp. Hãy nhìn lại xem mình thấp hay cao hơn dân./.

Văn Quang

LÊN TIẾNG PHẢN KHÁNG bản án phi lý đối với ba nhà Bloggers

PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất BP 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) Tel.: Paris (1) 45 98 30 85<br> Fax : Paris (1) 45 98 32 61 E-mail : pttpgqt@gmail.comPHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
E-mail : pttpgqt@gmail.com


THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY 28.9.2012

Nhân danh Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, Hòa thượng Thích Viên Định lên tiếng phản kháng bản án phi lý xử ba nhà bloggers Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải hôm 24.9.2012 tại Saigon 



2012-09-28 | | PTTPGQT

PARIS, ngày 28.9.2012 (PTTPGQT) - Viện Hóa Đạo vừa chuyển sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bản Lên tiếng phản kháng bản án phi lý đối với ba nhà bloggers ngày 24.9 vừa qua tại Tòa án Nhân dân Tp Hồ Chí Minh.

Sau đây là toàn văn bản lên tiếng phản kháng của Hòa thượng Thích Viên Định, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất :


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Chùa Giác Hoa
15/7 Nơ Trang Long, Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn
Phật lịch 2556
Số : 08/VHĐ/VT


VIỆN HÓA ĐẠO LÊN TIẾNG PHẢN KHÁNG
bản án phi lý đối với ba nhà Bloggers ngày 24.9.2012

Yêu cầu các nhân sĩ, trí thức, đồng bào các giới, và các Tổ chức nhân quyền trên thế giới tiếp tục can thiệp để nhân dân Việt Nam hưởng các Quyền cơ bản được Liên Hiệp Quốc công nhận.


Ngày 19.6.1919 đầu thế kỷ XX, Bốn nhà Cách mạng Việt Nam ở Paris cùng ký tên chung bằng danh xưng Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Hòa bình ở Versailles Bản Yêu sách 8 điểm (còn được gọi là Bản án Chế độ Thực dân), trong đó có yêu sách về các quyền tự do thiết yếu hàng đầu là : Tự do báo chí và Tự do ngôn luận ; Tự do lập hội và hội họp. Đó là các quyền cơ bản được Liên Hiệp Quốc công nhận mà con người tự do trên thế giới được hưởng. Đó chính là những ước mơ mà toàn dân Việt Nam đã đòi Thực dân Pháp trao trả từ thế kỷ trước. Nhưng đến nay, năm 2012, sau ngót 100 năm, toàn dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng những nhân quyền cơ bản bình thường này. Nhà cầm quyền độc tài Cộng sản Việt Nam đã kết nhiều bản án phi lý lên người dân Việt, mà bản án của ba nhà Bloggers : Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Tạ Phong Tần, Anh Ba Saigon (Phan Thanh Hải)là bằng chứng mới nhất.

Ngoài những bản án phi lý, sử dụng điều luật mơ hồ : vi phạm « an ninh quốc gia », « truyên truyền chống nhà nước », chụp lên đầu những Bloggers, những người chỉ bày tỏ lòng yêu nước bằng cách biểu tình ôn hòa chống ngoại xâm và thực hiện quyền tự do ngôn luận mà Việt Nam đã ký kết tham gia các Công ước nhân quyền LHQ. Ngoài các bản án tù rất phi lý, nặng nề, Nhà cầm quyền Việt Nam còn đe doạ, sách nhiễu thân nhân, gia đình, bạn bè các Bloggers.

Mặc cho các tổ chức nhân quyền trên thế giới như Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Tổ chức Quan sát Nhân quyền, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam, v.v… và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới như Tổng Thống Hoa Kỳ, Barak Obama… đã lên tiếng can thiệp, Nhà cầm quyền độc tài Cộng sản Việt Nam vẫn bất chấp, trái lại còn kết án quá nặng 3 nhà Bloggers trên : 12 năm cho Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), 10 năm cho Tạ Phong Tần và 4 năm cho Anh Ba Saigon (Phan Thanh Hải). Mãn hạn tù còn thêm 5 năm và 3 năm quản chế nữa.

Đây là thách thức đối với thế giới văn minh nhân loại, với LHQ, với các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế và với các nhà lãnh đạo các cường quốc văn minh và dân chủ trên toàn cầu.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất rất xót xa, lo lắng cho thân phận người dân Việt Nam trước cảnh bị tước đoạt mọi quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, nhất là các quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do lập hội, v.v…

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất yêu cầu Liên Hiệp Quốc, các Quốc hội Âu Mỹ Á, các Tổ chức Nhân quyền quốc tế, các nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà dân chủ, nhân quyền trên thế giới tiếp tục lên tiếng gây áp lực và can thiệp để ba nhà Bloggers Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải nói riêng, các tù nhân vì lương thức và tù nhân chính trị nói chung thoát khỏi các bản án bất công, phi lý, phi nhân, mà Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam áp đặt lên đầu họ và trả tự do tức khắc cho họ.

Giác Hoa, ngày 28 tháng 9 năm 2012
Thừa lệnh Đức Đệ Ngũ Tăng Thống
GHPGVNTN
Viện trưởng Viện Hoá Đạo
(ấn ký)
Tỳ kheo Thích Viên Định


Bản sao kính gửi :
- đệ trình Đức Tăng Thống và Hội đồng Lưỡng Viện « để kính thẩm tường »
- Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo « để theo dõi »
- Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế « để phổ biến và chuyển đến » :
  - Hội đồng Nhân quyền LHQ
  - Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu
  - Các Bộ Ngoại giao Âu Mỹ Á
  - Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền
  - Đài Quan sát Bảo vệ các Nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền
  - Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn
  - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Hoa Kỳ
  - Ân xá Quốc tế, và
  - Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam./.

Nhất Phi góp ý với Minh Mẫn về "Trẻ hóa Phật sự"


Đọc mấy bài viết gần đây của anh Minh Mẫn thấy anh có vẻ quá lo lắng cho tâm trạng của các vị "tôn giáo bạn" quá!
Chức sắc tôn giáo bạn quan trọng tới mức như vậy sao? Có quá đáng, quá lời không khi cho rằng chỉ khi nào các chức sắc "tôn giáo bạn" (Thiên Chúa hay Tin Lành?)"tỏ ra nhiệt tình sốt sắng hoan hỷ" thì "may ra đại hội IX sẽ thay lời nói về "đổi mới tư duy" và chứng minh được là TH PG TP đã trẻ hóa Phật sự"(!!?). Sao anh Minh Mẫn hiểu rõ tâm trạng họ thế?
Xin lưu ý anh Minh Mẫn: khi viết về một đề tài nghiêm túc với đối tượng là chư Tôn Đức (dầu sao anh Minh Mẫn cũng là "nhà tu xuất" mà, phải không?) không nên dùng những từ ngữ dung tục trong tâm cảm sân hận hay mang tính dè bỉu mỉa mai đối với quí Ngài. Mình phước đức bao nhiêu, đã làm được những lợi ích gì cho đạo pháp và dân tộc chưa mà lớn tiếng chê bai nặng nề quí Ngài vậy?
Ngoài ra, cũng xin thân tình nhắc nhở anh Minh Mẫn: mình là người lớn, có thể là một Phật tử nữa, trong bài viết góp ý về Phật sự thì không nên chêm vào những thứ lai căng "ô kê - ô kiếc" chi, nghe không được lịch sự lắm và thậm chí hơi vô lễ.
Tôi không phải chức sắc trong giáo hội, chỉ là 1 Phật tử bình thường thôi nhưng tôi có thể thông cảm và chia sẻ sự khó khăn của quý Ngài đối với vấn đề trẻ hoá nhân sự bộ máy lãnh đạo hiện nay.
Tôi nghĩ rằng đâu hẳn hễ trẻ tuổi đời thì gọi là trẻ! Xã hội thiếu gì những "cụông  trung niên" với cách nghĩ cách làm hết sức bảo thủ, lạc hậu, an phận thủ thường, theo kiểu "ai sao tui vậy, ai làm bậy tui làm theo"! Thua xa mấy "chàng thanh niên lâu năm", năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm.
Huống nữa kinh nghiệm, đạo hạnh mới là vấn đề cốt tuỷ của một lãnh đạo tôn giáo, chứ không phải hễ "khi người ta trẻ" (chữ của Phan Thị Vàng AnhNP) là người ta sẽ lãnh đạo tốt!
Việc chuyển giao một thế hệ, đối với tổ chức thế tục mà người ta còn  hết sức thận trọng, lên cả kế hoạch dài hạn và thực hiện từng bước rất chậm, rất lâu, đến sốt cả ruột. Có khi tuyên bố, cam kết trong cả mấy nhiệm kỳ mà vẫn chưa thực thi được.
Huống hồ, ở đây là một tổ chức tôn giáo, tức lãnh đạo về tinh thần là chính, vốn đặt nặng về kinh nghiệm, về đạo đức và đạo hạnh, đạo phong lên trên hết. Ngoài ra, theo thiển ý của tôi, quí Ngài hiện nay vẫn chưa gọi là già. Giáo hội vẫn cần quý Ngài ở những vị trí trọng yếu, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, trong nhiệm kỳ này.
Anh Minh Mẫn có vẻ bực bội vì Đại hội Đại biểu Phật giáo TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ VIII (2012-2017), không thực hiện đúng những gì đã cam kết, đã tuyên bố lâu nay.
Xin anh vui lòng nêu cho mọi người biết: có một Đại hội nào, ở đâu, thuộc tổ chức nào, quốc gia nào tính từ Quốc hội trở xuống mà việc thực thi đúng như cam kết được trọn vẹn 100%? Hay chỉ là 80,70% thôi? Thậm chí chỉ 60%  thôi cũng đã là giỏi lắm rồi.
Vì sao như vậy? Vì một lẽ đơn giản là bản chất toàn bộ hiện hữu mà ta đang "cho là thấy" đây, hết sức tạm bợ vô thường, hay thay đổi, biến hoại từng giây, từng sát-na. Mong cầu một điều gì đó phải diễn tiến như ý muốn chủ quan của mình (điều này trong kinh, Phật dạy là "Chớ hy vọng tương lai") là thiếu hiểu biết, là vô minh.
Đề ra kế hoạch tốt đẹp, hoàn hảo đến mấy đi nữa cũng chỉ là kế hoạch, là ý thức chủ quan. Giữa ý tưởng chủ quan và thực tế luôn có một cự li. Thực tế chứng minh chưa bao giờ có một kế hoạch gì, ở bất cứ lĩnh vực nào việc khi thực thi nó lại đạt đến mức100%. Tính toán siêu đẳng như NASA kia kìa, ấy vậy mà Apollo 13 vẫn bị sự cố nghiêm trọng, tàu con thoi Challenger còn bị nổ tung nữa là!
Nói vậy, không phải để bào chữa cho quý Ngài, các Ngài không khiến tôi làm việc này và cũng không cần một Phật tử bình thường như tôi lên tiếng bênh vực. Thật ra, đối với việc trẻ hoá bộ máy lãnh đạo, không riêng gì Giáo Hội PGVN, mà bất cứ tổ chức nào cũng đều mong muốn.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, ngoài lý do chủ quan (không muốn thay đổi, chỉ hô hào suông để lấy điểm), thực tế khách quan cho thấy làm được điều này không dễ chút nào. Có lẽ anh Minh Mẫn hoặc nhiều vị sẽ nói:Biết làm không nổi thì thôi, đừng tuyên bố, cam kết làm chi, làm suy giảm niềm tin của mọi người.
Tôi thì có suy nghĩ hơi khác một chút: Thà là có tuyên bố, có cam kết cũng được gọi là "gióng lên một tiếng chuông" cũng là một hình thức "ký hợp đồng miệng" với xã hội, còn hơn là xếp xó, bỏ ngoài tai không thèm đếm xỉa, thậm chí còn lên án việc trẻ hoá nhân sự lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo ở cấp cao.
Tuyên bố còn đây, "hợp đồng" còn đó, "món nợ" này đến lúc hợp cơ duyên cũng phải giải quyết thôi!
Anh Minh Mẫn hãy bình tâm nhìn xung quanh đi, sẽ thấy những điều tôi đã thưa không phải là vô căn cứ.
Là những người Phật tử thuần thành, chúng ta quan tâm, lo lắng đến sự thịnh suy của Giáo hội là điều hiển nhiên, nhưng cũng chính vì là Phật tử cho nên chúng ta cũng cần phải nhớ về lời Phật dạy về lý nhân duyên. "Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không". Nhân chưa đủ, duyên chưa có, thời chưa hợp thì quả chắc chắn sẽ chưa thành.
Còn nếu đặt câu hỏi là: khi nào nhân duyên hội đủ, thời cơ khế hợp? Thì vấn đề đó nằm ngoài phạm vi của bài viết này.
Nhất Phi - PTVN
Cư sĩ Minh Mẫn phúc đáp Nhất Phi về "Trẻ hóa nhân sự, Phật sự"

Trước nhất, tôi xin cám ơn anh Nhất Phi và các phản hồi góp ý. Thứ đến, xin có vài lời phúc đáp anh Nhất Phi và những ai quan tâm đến vấn đề trẻ hóa nhân sự, Phật sự trong các cấp GHPGVN hiện nay:
1/ Sao anh Nhất Phi biết tôi lo cho tôn giáo bạn qua vài câu trong bài như thế? So sánh, tỷ giảo, khích tướng...chỉ là phương tiện. Trong cuộc đua nếu không có đối thủ thì làm sao cố gắng vượt mức. Trong xã hội có những đoàn thể tương tự, nếu không nhìn người để tự mình tiến, cứ nằm ỳ ỷ lại thì tổ chức sẽ ra gì?
2/ Cám ơn anh Nhất Phi đã thể hiện tâm chất của một Phật tử chân chính đối với chư tôn túc mà tôi còn thua xa, bởi  tôi còn quá nhiều tâm sân hận phàm tục khi nhiệt tình đối với đạo nên lời lẽ thiếu nghiêm túc. (ở trong chăn mới biết chăn có rận!!!)
3/ Vấn đề trẻ hóa, tôi đâu buộc phải trẻ tuổi, trong bài tôi đặt vấn đề có thể trẻ trong cung cách làm việc cơ mà!
4/ Cái khó khăn không chỉ đối với quý ngài mà bất cứ tổ chức nào cũng có khó khăn, nhưng không có nghĩa vì khó khăn mà nằm ỳ một chỗ?
5/ Đạo hạnh và tuổi tác đâu phải chỉ có trực tiếp lãnh đạo mà gạt tuổi trẻ ra ngoài? cố vấn chỉ đạo để kèm và hướng dẫn lớp trẻ làm việc cũng cần lắm chứ; nếu đợi tuổi trẻ có kinh nghiệm, có đạo hạnh để lãnh trách nhiệm thì lúc ấy lớp trẻ cũng đã trở thành tuổi già!!! và đâu phải tuổi trẻ nào cũng bảo thủ, lạc hậu, an phận thủ thường, bạn chưa thấy có những Tăng ni trẻ rất xông xáo hoằng pháp tự nguyện các vùng sâu vùng xa mà bị một vài thầy chức sắc địa phương bảo thủ, cố chấp gây trở ngại thì sao?
5/ Ngôn từ của một xã luận khác với ngôn từ của một thỉnh nguyện thư hay văn bản hành chánh, sao gọi là thiếu nghiêm túc?
6/ "Chàng thanh niên lâu năm", năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm. Anh cho biết "chàng thanh niên lâu năm nào" đã năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm trong GH hiện nay??? Nếu từng có những chàng như vậy thì GH qua 30 năm không thể như vậy. Ngay cả văn thư hành chánh mãi đến nay vẫn chưa thấy tiến bộ thì chàng nào xông xáo tiến bộ hơn?
7/ Tôn giáo cần đạo hạnh và tuổi tác, nhưng đây là nghiệp vụ và tổ chức hành chánh, cần phải năng động, không thể so sánh khập khiễng.
8/ Việc thực hiện cam kết khi tranh cử của thế tục, họ cũng chưa thể hoàn toàn 100%. Không ai đòi hỏi toàn hảo như thế, nhưng ít ra phải thể hiện đươc từ 10-20%. Chẳng lẽ với lý do khó khăn mà 30 năm qua vẫn không có gì thay đổi? Nếu có thay đổi tiến bộ, năng động thì  PG đã không mất tín đồ hàng ngày nơi vùng xa vùng cao!
9/ Tính tạm bợ, vô thường là cốt lỏi của PG nhìn vào sự diễn tiến của cuộc sống, nhưng không vì thế mà không dám đặt niềm tin cho kế hoạch ngắn và dài hạn cho Phật sự. Bảo là vô thường mà không chịu trách nhiệm công việc thì đóng cửa lo tu hơn là lãnh đạo một tổ chức .
10/ "...Thà có tuyên bố cam kết còn hơn... " sao nói giống thế tục hứa rồi không giữ lời? Tu sĩ là "trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng", cảm thấy cái gì làm được hãy nói, nói mà không làm thì người thế nào???
Tóm lại, chúng ta không cầu toàn, nhưng là một tôn giáo toàn triệt, sứ giả của tôn giáo ít ra phải thể hiện thiện chí, khả năng và nhiệt tâm để từng bước chứng tỏ hiệu quả của lời hứa khi nhận lãnh trách nhiệm trước tiền đồ đạo pháp.
                                                MINH MẪN
                                                   29/9/2012

http://bit.ly/PhkPio

2012/09/29

Lời khuyên của Đức Dalai Lama dành cho Việt Nam

Trần Kinh Nghị


Với tiêu đề "Dalai Lama nói về căng thẳng Việt-Trung" đài BBC tiếng Việt ngày 27 / 9/ 2012 có đưa một tin  đáng lưu ý. Đó là nôi dung  bài nói chuyện của nhà lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang lưu vong tại Ấn Độ với  một đoàn gồm 102 người thuộc Câu lạc bộ Giám đốc điều hành Việt Nam (Vietnam CEO Club)  tham dự buổi pháp thoại  hôm 24/9/2012 tại Ấn Độ.(Xem tin đầy đủ tại đây: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/0/120927_dalai_lama_vietmeeting.shtml

Được biết đây là lần thứ hai Đức Dalai Lama từng giảng bài cho đoàn đến từ Việt Nam. Tháng 11 năm ngoái, tại Tu viện Namgyal ở Dharamsala, Ấn Độ, Ngài cũng giảng bài cho hơn 120 người, trong đó có những sao Việt như diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ Thanh Lam.

Có thể coi đây là một dịp tiếp xúc "bán chính thức" hiếm hoi giữa Tây Tạng và Việt Nam mà trong đó Nhà lãnh đạo Tây Tạng đã nói lên viễn kiến của mình, gồm cả những lời khuyên đối với Việt Nam liên quan  vấn đề "nhậy cảm" là tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Thiết nghĩ đây là những ý kiến  khách quan vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính học thuật về triết lý và tôn giáo rất gần gũi đối với người Việt Nam để từ đó rút ra những bài học thiết thực trong bối cảnh  tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt trong đối sách với Trung Quốc    
Một là về việc xây đền chùa hay trung tâm nghiên cứu Phật giáo.   Khi có người hỏi Đức Dalai Lama về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời ngỏ  ý  muốn  mời Ngài ra xây đền ở một trong các đảo, Đức Dalai Lama trả lời: "Tôi không đặc biệt ủng hộ việc xây tu viện hay đền thờ, tôi muốn nhìn thấy một trung tâm học thuật, có thể làm trung tâm nghiên cứu triết học Phật giáo, Đạo giáo và đạo đức thế tục." Ngài nói thêm :"Nếu một trung tâm như vậy có thể thành lập, có lẽ tốt hơn là đặt ở Sài Gòn hay Hà Nội thay vì trên một trong các đảo này."

Đây là một cách nhìn đầy tính thực tế và thực dụng của Đức Dalai Lama dù đó là lĩnh vực tâm linh cao cả. Ngài không chỉ đề cao công tác đào tạo về Phật pháp mà còn gián tiếp phê phán sự kém hiệu quả của những ngôi chùa tốn kém mà Việt Nam đang xây lên ở Trường Sa. Phải chăng đó lại là sai lầm do lối tư duy "đền thờ miếu mão hoành tráng" từ đất liền nay lan ra biển đảo? Liệu quân xâm lược sẽ dừng bước trước những đền thờ ấy hay chỉ là một sự lãng phí?
    
Hai là về thái độ trong đấu tranh với người TQ. Theo Ngài, giận dữ không đem lại kết quả với người Trung Quốc."Tốt hơn là tìm cách gây ảnh hưởng bằng phương cách thân thiện, dĩ nhiên có thể làm điều này từ vị thế cứng cỏi". Ngài nhắc lại vào năm 1979, khi "Trung Quốc định dạy Việt Nam một bài học, họ đã gặp phải một quân đội thiện chiến, cứng cỏi".

Ý kiến này rất bổ ích cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay khi mà dân chúng rất căm giận, nhưng "một bộ phận không nhỏ" quan chức lo làm giàu hoặc lý do nào đó thường tỏ ra  thờ ơ, vô cảm, thậm chí yếu hèn  trước  hành động lấn lướt của đối phương . Kết cục là, đất nước thiếu vai trò của thủ lĩnh đủ sáng suốt và quả cảm để tập họp lực lượng đoàn kết dân tộc nhằm đối phó với TQ  trên  "một vị thế cứng cõi" như gợi ý của Dalai Lama.  Xin nhắc lại: cứng cõi, chứ không phải kéo léo và uốn éo!, vì không phải ngẫn nhiên mà Ngài đã nhắc lại hai lần từ "cứng cõi" khi nói ra ý này.  Thiết nghĩ nhân dân sẽ bớt căm giận theo cảm tính nếu lãnh đạo (thủ lĩnh) của họ cứng cõi lên. Đó là quy luật. Người lãnh đạo chớ nên bao giờ đổ lỗi nhân dân vì họ căm thù địch., trái lại nên coi đó là chỗ dựa để lãnh đạo thêm cứng cõi.     

Ba là về sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Trong buổi giảng, Đức Dalai Lama bày tỏ ngưỡng mộ dành cho kinh tế học Marxist, đặt biệt là tư tưởng phân chia của cải đồng đều. Ngài nhấn mạnh mình phản đối chủ nghĩa toàn trị. Ngài nói mặc dù mình có thể là một người Marxist, nhưng Ngài không đi theo chủ nghĩa cộng sản do Lenin áp đặt. Theo ngài, mặc dù chủ nghĩa Marx không nói về kiếp trước đời sau nhưng có chia sẻ với Phật giáo ở niềm tin rằng định mệnh do con người làm chủ. Một xã hội hạnh phúc phải do chính con người tạo dựng, không phải chỉ qua cầu nguyện mà bằng hành động".

Ý kiến này của  Ngài Dalai Lama cũng khá  phù hợp với hiện tình của Việt Nam khi mà sự khủng hoảng lòng tin  (vào CN Marx-Lenin)  "đang bị đe dọa sự tồn vong của chế độ" (theo tinh thần NQ TW4). Thực tế cho thấy ngày càng nhiều người Việt Nam, kể cả cán bộ đảng viên trở nên mê tín (chứ không phải tín ngưỡng lành mạnh)  chỉ lo cúng bái cầu may trong những cuộc làm ăn dối trá và tham nhũng. Đáng lẽ kịp thời rút kinh nghiệm và cắt nghĩa rõ ràng, minh bạch về mức độ đúng /sai trên lý thuyết và thực hành để cùng toàn dân tìm cách khắc phục thì các bậc thầy lý luận của đất nước vẫn bám chặt vào cái đã lỗi thời và để mặc nhân dân tự suy diễn, đoán non đoán già sinh ra chán nản, mất lòng tin... Thật oan uổng cho ông Carl Marx, nhưng lại càng đáng tiếc hơn cho sự luẩn quẩn của Việt Nam. 

Không ngờ Đức Dalai Lama dù chưa tới Việt Nam bao giờ vẫn có thể nhìn thấu những vấn đề căn bản của đất nước này đến vậy!
   

2012/09/28

Bàn về sự ngụy biện của ông Nguyễn Trần Bạt

Trần Mạnh Hảo

Trên blog "Lớp AO – Khóa 9" có in bài nói chuyện của ông Nguyễn Trần Bạt với các nhà lý luận chính trị hàng của đảng cộng sản Việt Nam với nhan đề:
"Tôi làm hết sức mình để "giải độc cho thế hệ trẻ"– Nguyễn Trần Bạt"

Chúng tôi xin phép trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt về một số nội dung trong bài diễn thuyết này của ông.

Chúng tôi xin trích lại "Lời dẫn" của bài chủ như sau:

"Lời dẫn – "Tuần sau, cả nước đi bầu… Tén ten tèn ten…". Sự kiện lớn trong đời sống xã hội là dịp để mỗi người suy ngẫm về trách nhiệm công dân. Với thế hệ chúng ta, có một việc quan trọng và ý nghĩa nữa là làm sao để thế hệ trẻ của đất nước sáng suốt và mạnh mẽ hơn cha anh với trách nhiệm công dân của mình. Cũng nhân bài viết của Châu Sa về bầu cử tại Singapore, xin trân trọng giới thiệu với các bạn nội dung Tọa đàm giữa ông Nguyễn Trần Bạt và các cán bộ nghiên cứu Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (Ngày 22/11/2008) về nhiều vấn đề liên quan tới tư duy và phát triển. Kết nối với một số thảo luận, tranh luận trước đây trên blog của lớp ta, tiêu đề cho bài này được chọn không trực tiếp nằm trong nội dung, mà là quan điểm của Tác giả khi viết sách, viết báo về các vấn đề xã hội. Tôi đã thử tìm cách rút gọn nội dung tọa đàm để phù hợp với khuôn khổ của Blog, nhưng các nội dung đề cập rất phong phú với cách tiếp cận của Tác giả rất mạnh mẽ, trực diện, rất mở cho suy ngẫm nên tôi quyết định giữ nguyên, chỉ trích ra để "highlight" một số câu tâm đắc. Thông tin về cá nhân và các bài viết khác của Tác giả Nguyễn Trần Bạt có thể xem ở đây – TBV

Ông Phạm Ngọc Quang: Tôi xin giới thiệu anh Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao công nghệ (INVEST CONSULT). Hiện nay, công ty anh Bạt có khoảng 300 nhân viên làm việc ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Công ty đã làm việc với rất nhiều dự án nước ngoài như Coca-Cola, IBM… Anh Bạt đã từng tiếp hàng nghìn người nước ngoài và là một người am hiểu nhiều vấn đề. Anh Bạt cũng đã đi rất nhiều nước, đến nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới thuyết trình và đã từng gặp gỡ, trao đổi với Tiến sĩ Henry Kissinger.
Tôi cũng xin giới thiệu với anh Bạt về thành phần đoàn của chúng tôi gồm:
- Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, Nguyên Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương.
- Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Quang, Thường trực chuyên trách Hội đồng khoa học, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Thạc sĩ Lê Đức Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương.
- Cử nhân Hoàng Thị Minh Ngọc.
Trong buổi làm việc hôm nay, chúng tôi đề nghị anh Bạt trao đổi về 2 vấn đề nhưng thực ra chỉ là một, đó là vấn đề dân chủ, đồng thuận, đoàn kết đối với doanh nhân và trí thức, bởi vì doanh nhân là một đặc thù trí thức. Làm thế nào để phát huy dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, làm thế nào sử dụng tốt đội ngũ doanh nhân để giải phóng khả năng phát triển và sáng tạo của họ, và trọng dụng doanh nhân như thế nào là hợp lý để phát huy sức mạnh của doanh nhân.
"Truyền hình trực tiếp (các Bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội) … là thông báo sự non kém của nội các với toàn thế giới"

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi chưa nói đến đời sống trí vì tôi không đồng ý với khái niệm gọi là tầng lớp trí thức, tôi cho rằng trí thức có mặt trong mọi hoạt động, mọi hành vi hàng ngày của con người. Trước đây, khi anh Trần Hoàn còn là Phó ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, trong một buổi giao lưu với các nhà báo có sự tham gia của anh ấy, tôi có nói rằng, tôi không tin có nhà chính trị, có người trí thức, có nghệ sỹ, có nhà báo… mà đấy chỉ là những trạng thái khác nhau, quán xuyến những giai đoạn khác nhau trong đời sống của con người…"… "Và tự do nói chung được định nghĩa là: Sự dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi. Ở chỗ nào ý nghĩ được biến thành hành động một cách tự nhiên thì ở đấy có tự do…"(hết trích)

TRẦN MẠNH HẢO (viết tắt TMH): Xã hội nào cũng có một tầng lớp trí thức, ông Bạt nói như trên là ngụy biện. Hoặc là trí thức theo quan điểm của ông Bạt phải là những người đối lập với chính quyền, thì ông phải bảo thẳng là trong xã hội ta hiện nay, hầu như không có trí thức. Sao ông ngụy biện à uôm vậy?

Ông Bạt định nghĩa tự do như trên là sai, là ngụy biện. Không phải ý nghĩ nào cũng có thể biến thành hành động. Ví dụ tôi đang nghĩ : mình phải bay lên ba vạn thế giới như Tôn Ngộ Không, thì ý nghĩ này không thể biến thành hành động, vậy tôi đang không có tự do hay sao? Ví dụ, tôi đang nghĩ, đang nhớ đến người bạn gái công tác bên Pháp mà tôi không thể gặp vì quá xa…không thể biến nỗi nhớ thành hành động yêu thương cụ thể được, vậy tôi là người không tự do sao?

NGUYỄN TRẦN BẠT (viết tắt sau:NTB): "Trong buổi toạ đàm hôm nay với các anh, những nhà lý luận của Đảng, tôi không nói về tự do bên trong mà tôi muốn nói về tự do bên ngoài, tức là các điều kiện vĩ mô của đời sống con người. Nó liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó, có lẽ yếu tố chính trị là số một. Các nhà tiền bối của chúng ta nói rằng Chính trị là thống soái thì rất nhiều người hiểu thống soái là chỉ huy, nhưng tôi nghĩ rằng, chính trị chỉ chỉ huy ở một số điều kiện, cho nên, phải nói là chính trị hướng dẫn mới đúng. Nếu những yếu tố chính trị không tích cực thì rất khó để con người có điều kiện sáng tạo và phát triển."(hết trích)

TMH: Ông Bạt đang ngụy biện để bào chữa cho một khẩu hiệu, khẩu lệnh rất phản động của Mao Trạch Đông chống Marx; Marx bảo : "Kinh tế là thống soái, kinh tế quyết định chính trị". Mao phản Marx bằng tuyên bố : "Chính trị là thống soái". Quan niệm này làm hư hỏng các xã hội theo Stalin-Mao, biến nhân dân thành nô lệ cho đảng càm quyền. Ông Bạt đang ngụy biện, chống chế cho quan điểm sai trái này bằng cách liến láu đánh quả tù mù, đánh tráo khái niệm bảo là "thống soái" không phải chỉ huy mà chỉ là dẫn đường thôi, chính trị là trái tim Đan-Cô dẫn đường các đồng chí ạ. Ông Bạt đang toa rập với những quan niệm chính trị sai trái đang cầm quyền của 5 nước xã hội chủ nghĩa còn sót lại, mà trong sách của mình ông gọi là những nền chính trị lạc hậu nhất…

NTB: "Vấn đề thứ hai mà tôi muốn trao đổi với các anh là Quyền lực. Quyền lực tác động một cách khủng khiếp đến khả năng phát triển của con người. Quyền lực là nguồn gốc tạo ra nỗi sợ, và sự sợ hãi là yếu tố trực tiếp ngăn cản toàn bộ cảm hứng phát triển.". " Người ta hay nói đến sự sợ hãi gắn liền với cách mạng, chiến tranh, chết chóc… những tôi là một người lính đã từng ra trận, đã từng đối mặt với cái chết, tôi hầu như chưa thấy các biểu hiện sợ chết nào đó của người lính. Ở đấy người ta sẵn sàng rủ nhau hy sinh một cách rất tập thể." " Tôi đã từng sống trong môi trường có hàng chục ngàn nữ thanh niên xung phong. Lúc bấy giờ cuộc sống khổ lắm, ngay cả cái quần lót, áo lót cũng thiếu, rồi bệnh ngoài da, bệnh sốt rét hành hạ nữa… Với tư cách là một anh trí thức ra trận, tôi quan sát họ nhưng tôi không nhìn thấy ở họ sự sợ chết, sợ khổ, sợ cô đơn cũng không." (hết trích)

TMH: Trong đoạn trích trên, ông Bạt không chỉ ngụy biện về quyền lực của nền chính trị chuyên chế ( chuyên chính vô sản) làm người ta sợ hãi; khác hoàn toàn với nền chính trị đa nguyên do dân bầu, nên dân không hề sợ hãi người cầm quyền ; ông còn nói rất bậy về con người, tức người lính trong chiến tranh chỉ là những hình nhân không tim không óc : không sợ chết, không sợ khổ, không sợ cô đơn…lao vào cái chết tập thể như thiêu thân. Quan điểm này của ông Bạt rất phi nhân.

NTB:"Chúng ta đã nhìn vấn đề kinh tế tri thức một cách cực kỳ đơn giản. Khi đọc những bài viết của một số giáo sư ca ngợi nền kinh tế tri thức, tôi thấy nổi da gà, vì tôi biết rất rõ rằng nền kinh tế tri thức có thể mang lại những tai hoạ khủng khiếp như thế nào"(hết trích)

TMH: Một người luôn nhân danh đổi mới, nhân danh khoa học và nhân danh toàn cầu hóa như ông Bạt mà lại đi kinh tởm và miệt thị nền KINH TẾ TRI THỨC như trên, thì ông Bạt ơi, xin chào ông vì ông là người của bác Sít, bác Mao còn sót lại …

NTB: "Đặt ra vấn đề đoàn kết và đồng thuận trong xã hội, nhất là đối với giới doanh nhân và đặt ở tinh thần như thế này thì phải nói rằng, như vậy là chúng ta quá trong sáng."

TMH: Ông Bạt vừa nói trong sách rằng nền chính trị độc quyền không do dân bầu ra, dân không có tự do ở xã hội ta, nay sao ông lại nịnh đảng ta thế ? Rằng ông đang khen chế độ ta đồng thuận và đoàn kết trong sáng quá. Abraham Linconl từng nói đại ý: dân chủ là lá phiếu, là phải hỏi người dân rằng thưa quý ngài, quý ngài có cho phép chúng tôi được quyền lãnh đạo các ngài không ? Từ ngày ra đời (1930) đến nay, đảng ta của ông Bạt đã bao giờ cúi xuống mà lễ phép xin thưa với nhân dân Viện Nam, rằng thưa " các ông chủ", các ông chủ có cho phép bọn đầy tớ chúng em được lãnh đạo các ông chủ lần nào chưa ?

NTB: "Bản chất của tự do là tạo ra những giới hạn để con người phát triển phù hợp với năng lực của nó và năng lực của nhà quản lý."

TMH: Câu văn trên là điển hình cho sự ngụy biện của ông Bạt : sao lại " BẢN CHẤT CỦA TỰ DO …LÀ GIỚI HẠN ? Tự do nghĩa là càng ít giới hạn càng tốt. Sao lại càng nhiều rào cản càng tự do. Giống y khẩu hiệu đại ngụy biện của "nhà giáo dục" Xô Viết Macarenkô thời Stalin nói ngược rằng : "KỶ LUẬT LÀ TỰ DO !". Cứ đà này, diễn theo ông Bạt, ta có thể nói : độc tài là tự do…he he he he. Điều bốn hiếp pháp là tự do…Còng số tám là tự do…

NTB: "Nếu chúng ta xây dựng một phong trào chính trị để tìm kiếm sự đồng ý với Đảng thì sẽ rất khó và là ảo tưởng. Nhưng nếu chúng ta tạo ra một cơ cấu xã hội để mọi người đồng thuận với nhau và mọi người có thể đồng thuận với sự hướng dẫn chính trị trong từng việc, trong từng nhiệm vụ, trong từng giai đoạn thì đấy mới chính là một cách thức tiếp cận hợp lý đến khái niệm này."

TMH: Mệnh đề trên ông Bạt càng nâng tài ngụy biện của mình lên chót vót phi lý, khó nghe. Trong các cuốn sách của mình, ông Bạt từng khẳng định, nếu xã hội chỉ có một lực lượng chính trị duy nhất thì nhân dân bị tước quyền lựa chọn, nghĩa là bị tước quyền tự do. Nay ông Bạt lại phán ngược lại rằng có thể tìm thấy tự do trong xã hội độc đảng , tìm thấy đồng thuận VỚI SỰ HƯỚNG DẪN CHÍNH TRỊ TRONG TỪNG VIỆC, TỪNG NHIỆM VỤ…nghĩa là nền chính trị đơn cực ấy chia lẻ ra từng vụ việc, từng hành vi lời nói, từng suy tư thì một đảng cũng vẫn tự do…
"Trí thức chân chính luôn luôn đối lập một cách tự nhiên đối với nhà cầm quyền"

NTB: "Nếu các anh các chị bảo tôi sai thì tôi sẽ im, lý do rất đơn giản là tôi là người tôn trọng tính đa dạng của đời sống. Nguyên lý tư tưởng của tôi là tôn trọng sự đa dạng tự nhiên, bởi vì nó là bản chất của cuộc sống. Cũng như lúc đầu tôi nói là không thể ghép đa nguyên và đa đảng được. Chúng ta có thể ngăn chặn sự đa đảng nhưng chúng ta không tiêu diệt sự đa nguyên được bởi vì đa nguyên là bản chất của cuộc sống. Về mặt chính trị chúng ta không cho phép đa đảng, hay chúng ta chưa được thành lập đảng chính trị vào giai đoạn thế kỷ thứ XXIII chẳng hạn, đó là quyền của những người cầm quyền. Khi anh vẫn cầm quyền tức là anh vẫn có quyền".

TMH: Đoạn văn trên chúng tôi khá khen cho ông Bạt trước các nhà lý luận của đảng độc quyền vẫn dám nói lên một sự thật : rằng các anh có thể cấm đa đảng nhưng bản chất cuộc sống vẫn cứ là đa nguyên.

NTB: "Trong quá khứ, hầu hết các Đảng Cộng Sản trên thế giới, đều đã từng làm việc này. Họ xây dựng nền văn hoá để kiểm soát xã hội về mặt thái độ chính trị, xây dựng đội ngũ công nhân để làm chỗ dựa, làm lực lượng chính trị, xây dựng đội ngũ trí thức làm trí khôn chính trị, tức là những người cầm quyền luôn muốn biến xã hội trở thành lực lượng của mình, công cụ của mình mà quên mất rằng làm như vậy sẽ khiến cho xã hội không còn tự do nữa."
TMH: Đoạn này ông Bạt nói rất đúng: Dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản, xã hội không thể có tự do.
NTB: "Trí thức chân chính luôn luôn đối lập một cách tự nhiên với nhà cầm quyền"

TMH : Hoan hô người trí thức Nguyễn Trần Bạt dám đối lập với chính quyền cộng sản vô cùng căm thù đối lập ( mà đối lập là linh hồn biện chứng pháp Mác –xít)
"Giữ gìn bản sắc là một khẩu hiệu không lành mạnh"

NTB : "Tôi có nói trong quyển sách này là cái di chứng của cách mạng không phải là chết chóc mà là sự sợ hãi. Và sự sợ hãi các di chứng của cách mạng không chỉ có trong người dân mà có ngay trong cả những người lãnh đạo, những người cầm quyền. Các cuộc cách mạng luôn kéo theo sự sợ hãi, sự bất ổn định tinh thần, làm con người dừng lại không sáng tạo. Nếu như chúng ta tạo ra một trạng thái yên ổn thì mọi người đều có thể là tư tưởng của riêng mình, mọi người đều có thể trở thành nhà khoa học của riêng mình. Do đó, tỷ lệ con người có năng lực sáng tạo sẽ lớn hơn, phổ biến hơn và điều đó làm cho nhân loại trở nên tiết kiệm hơn. Cho nên, luận điểm của tôi là luận điểm nhân loại không còn đủ sức chịu đựng các cuộc cách mạng. Nói cho cùng, các cuộc cách mạng diễn ra trong thực tế đời sống của lịch sử nhân loại cũng không nhiều lắm, mà hậu quả của nó đã ghê gớm như vậy. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là kết quả của cách mạng. Nhân cái đà đấy, người ta đã tạo ra một quốc gia là kết quả của sự cưỡng bức rất nhiều thứ. Và nói rằng cách mạng là một cơ hội lớn cho rất nhiều kẻ cơ hội."

TMH: Đoạn văn dài dòng trên ông Bạt nói mình ớn cách mạng đến tận cổ. Rằng cách mạng thay đổi xã hội lần nữa thì có mà tan xã hội ta đang đồng thuận đoàn kết trong sáng hôm nay. Ông Bạt tỏ ra dị ứng với các loại cách mạng cam quýt nhài nhiếc…vừa qua lắm lắm. Hãy xây dựng hòa bình vĩnh cửu để đảng ta lãnh đạo ít nhất là đến thế kỷ thứ XXIII…như ông đề cập tới trong bài nói…

NTB: "Cứ xem các bài báo của Việt kiều là các anh có thể nhận ra và phân loại được ngay. Văn phong của một anh Việt kiều ở Đức khác hẳn với văn phong của anh Việt Kiều ở quận Cam, văn phong của anh Việt Kiều ở quận Cam khác hẳn với văn phong của anh Việt Kiều ở Washington DC … Họ vẫn nói xấu những người cộng sản nhưng nếu được chụp chung ảnh với những người lãnh đạo cao cấp thì họ vẫn rất sung sướng. Đấy là sự thật."

TMH: Đoạn văn trên là văn tấu hài của ông Bạt đưa anh Việt kiều bên Âu Mỹ ra chọc quê …Hình như ông Bạt muốn nói rằng ông Võ Văn Ái bên Pháp, ông Ngô Nhân Dụng ( Đỗ Qúy Toàn) bên Mỹ chửi cộng sản rất hay nhưng bụng muốn về chụp ảnh với các bác Sang- Trọng-Hùng-Dũng lắm lắm A men!

NTB: "Tôi không nghĩ rằng dân chủ hóa thì nhân dân sẽ chống Đảng, ngược lại, có khi nhân dân còn công kênh Đảng lên. Nếu người ta biết chắc rằng các anh đang tổ chức và lãnh đạo một tương lai mà ở đó nhân dân tự do thì nhân dân rất sợ các anh bỏ đi. Các anh không tưởng tượng được rằng nếu Đảng làm được như thế thì xã hội rất sợ Đảng bỏ đi. Giữa việc nếu ta đi thì họ níu và việc bắt họ phải chịu đựng ta thì việc nào hơn?"

TMH: Hình như đoạn văn trên cũng là văn tấu hài của ông Bạt. Đảng bảo đảng đã mang tự do hạnh phúc cho dân ta gấp tỉ lần tư bản. Ông Bạt thay mặt dân xuýt khóc chỉ vì sợ đảng không thích lãnh đạo bỏ dân ta lại mà đi chơi theo ông Tập Cận Bình hay theo ông Marx Lenine phiêu diêu cõi đại đồng trước dân, bỏ ông Bạt và dân mồ côi mồ cút …Ông Bạt khuyên mọi người nhanh tay níu áo, níu chân đảng lại, đừng để đảng bỏ đi chơi không thèm lãnh đạo, bỏ dân tộc Việt Nam bơ vơ khóc sưng mắt mà ơ ơ khơ khơ …

Sài Gòn ngày 26-9-2012
Trần Mạnh Hảo

2012/09/27

Thông điệp của chính phủ Việt Nam: 'Tự do cái con c'


Nguyễn Hưng Quốc

Mấy ngày qua, đọc báo (lề trái) ở Việt Nam cũng như trên thế giới, hầu như ở đâu tôi cũng thấy nhắc đến bản án dành cho ba blogger: Điếu Cày Nguyện Văn Hải (12 năm tù), Tạ Phong Tần (10 năm tù) và Phan Thanh Hải (4 năm tù). Hầu như tất cả đều có nhận định giống nhau: Bản án quá nặng nề và nghiệt ngã.

Tại sao chính quyền phải nặng tay và nghiệt ngã đến như vậy?

Có hai lý do chính:

Thứ nhất, để trả thù
. Ai cũng biết là chính quyền Việt Nam hiện nay, cũng giống như bất cứ chế độ độc tài nào, rất căm ghét các blogger và các nhà báo độc lập. Độc tài bao giờ cũng gắn liền với sự dối trá và do đó, đều có nhu cầu che giấu sự thật và né tránh mọi sự phản biện. Tất cả sức mạnh của độc tài đều được xây dựng trên, và nuôi dưỡng bằng, sự dối trá và che giấu ấy. Chính vì vậy, họ xem những kẻ nói thật là những kẻ thù không thể đội trời chung. Có cảm tưởng bao nhiêu thù hận của chính quyền đối với quyền nói thẳng và nói thật đều dồn hết vào ba con người yếu đuối không có vũ khí nào khác ngoài cái miệng và bàn phím computer.

Thứ hai, để đe dọa. Mới đây, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh phản công, trừng trị và ngăn chận các blog "phản động". Đến nay, cả ba blog bị ông Nguyễn Tấn Dũng nêu đích danh vẫn tồn tại, hơn nữa, vẫn thu hút một số người đọc cực kỳ đông đảo. Người ta bèn chuyển sự răn đe đến ba đối tượng nhỏ hơn và yếu hơn, những người đã bị bắt. Bản án dành cho họ, do đó, như một lời cảnh cáo: Liệu hồn!

Có thể xem lời cảnh cáo ấy là một thông điệp chính mà chính quyền gửi đến cho các blogger, các nhà báo độc lập cũng như dân chúng Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, điều chính quyền không làm được là chứng minh ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải là "phản động", là có âm mưu "chống nhà nước". Tất cả những gì họ làm là tham gia các cuộc biểu tình và viết bài lên án âm mưu xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc. Cho nên thông điệp mà chính phủ muốn gửi đến mọi người qua bản án nặng nề dành cho ba blogger này cần được hiểu thêm là: Chống Trung Quốc đồng nghĩa với việc chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Gắn liền thông điệp này với bản án bốn năm tù dành cho nhà báo Hoàng Khương ngày 7 tháng 9 vừa rồi, chúng ta thấy thêm một thông điệp khác: Vạch trần sự tham nhũng của công an cũng đồng nghĩa với việc chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Những thông điệp ấy quá rõ ràng. Chắc chắn người Việt Nam nào cũng có thể hiểu được. Hiểu, nhưng có sợ và tuân thủ hay không thì lại là một chuyện khác. Chỉ có điều là tác dụng ngược của những thông điệp ấy cũng rất rõ ràng. Hầu như ai cũng thấy:

Thứ nhất,
tham nhũng là một vùng cấm. Ai đề cập đến là bị tù.

Thứ hai,
chống Trung Quốc cũng là một vùng cấm. Ai lớn tiếng chống Trung Quốc là bị tù, thậm chí, còn bị tù còn nặng hơn là chống lại chính quyền Việt Nam.

Thứ ba,
tự do ngôn luận cũng là một vùng cấm. Mà không phải chỉ có tự do ngôn luận. Nói theo Trung tá công an Vũ Văn Hiến tại phiên tòa xử Điều cày Nguyễn Văn Hải tại tòa án Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 9 là: "Tự do cái con c."

Câu nói của Vũ Văn Hiến gây ấn tượng mạnh đến độ nhà văn Nguyễn Quang Lập đề nghị đưa nó vào đề thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông kỳ tới:

"Bác Hồ nói " Không có gì quí hơn độc lập tự do". Trung tá công an Vũ Văn Hiến nói: " Tự do là cái con c.!" Từ những gì trải nghiệm ở nước ta, bạn hãy viết một bài luận về vấn đề này để chứng minh phát ngôn của trung tá công an Vũ Văn Hiến về tự do ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác."


26.09.2012

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.